Giấc mơ tháng Chạp

SVVN - Tháng cuối cùng của năm Âm lịch ít được gọi là tháng Mười Hai mà thường được thay bằng cái tên quá đỗi thân thương: tháng Chạp. Một tháng gợi bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu lo toan, bao nhiêu cố gắng của cả một năm dài cho những người trẻ xa quê.

Những ngày đầu tháng Chạp, trời vẫn lất phất những hạt mưa sa. Cái lạnh mùa Đông vẫn còn kéo dài âm ỉ, người người xuýt xoa nhau thở dài trong một năm quá nhiều khắc nghiệt. Cơn rét đậm kéo dài, gió thốc qua từng con phố, gió thốc cả vào tim, vào lòng người. Rét buốt, mẹ dặn nhớ giữ ấm, người thương dặn dò nhớ giữ ấm. Giữ thế nào cho ấm nổi những cơn gió lạnh trong lòng?

Tết của người lớn, người ta càng chờ đợi đến Tết chỉ được nghỉ dài, chứ không phải để tận hưởng những cảm giác ấm áp ngày xưa nữa.

Tháng Chạp. Phố thị đông đúc và chật hẹp, chỉ có người và xe, đua nhau ồn ào và vội vã. Giật mình tự hỏi, đã sắp hết một năm rồi ư? Thời gian trôi nhanh quá đỗi, đi qua bao nhiêu vô thường mới biết mình vô nghĩa trước một đường chân chim. Bao nhiêu thanh xuân đi qua, ồn ào có, lặng lẽ có. Giờ có muốn níu giữ, cũng chẳng được nữa rồi. Phố những ngày cuối năm, tất bật đến lạ thường. Người người dường như đang chạy đua với thời gian, tất bật lo toan chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Chưa biết một năm sắp đến vui hay buồn, nhưng tháng Chạp là tháng người ta luôn muốn làm việc hết mình vì tất cả những gì tốt đẹp ở phía trước.

Giấc mơ tháng Chạp ảnh 1 Chợ hoa ngày Tết làm nao lòng người xa quê.

Tháng Chạp. Nhớ về những ngày còn nhỏ, theo ba ra đồng trong cái lạnh mơn man. Bao nhiêu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông chỉ có người nhà nông mới thấu hết khi bước chân xuống ruộng đồng mà lạnh đến nỗi hơi thở cũng pha phả làn khói mỏng trong sương sớm. Người nông dân cực nhọc phải lo cày đồng gieo sạ cho xong mới yên tâm ăn Tết. Cả một đời người nhà nông vẫn khổ như thế, cho đến những ngày cuối cùng của một năm.

Khi đã trưởng thành, rời khỏi quê hương mới thấm thía những ngày mưa sương rét buốt của tháng Chạp như thế. Rồi bất giác, mong một ngày tháng Chạp chạy về giữa cánh đồng lam lũ ngày xưa, nhúng đôi chân trần giá lạnh giữa ruộng đồng tháng Chạp để biết rằng chẳng có giá lạnh nào so được với cái lạnh mà mẹ cha đã từng chịu đựng…

Tháng Chạp về, miên man nhớ về những ngày đi chợ Tết. Lúc còn nhỏ xíu, đi chợ Tết ở quê là một cái gì đó háo hức đến lạ thường. Như bao nhiêu đứa trẻ con khác, thích thú được mẹ dẫn ra chợ sắm cho bao nhiêu quần áo mới. Chỉ biết thế là vui lắm, hạnh phúc lắm. Chợ Tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Đứa con xa quê cả năm về ăn Tết, mẹ bảo đi chợ cùng, cốt cũng là để hỏi han những người quen đã lâu chưa có dịp thấy mặt, cốt cũng để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm sắp đến. Người nhà quê vẫn ấm áp tình nghĩa, vẫn đôn hậu như thế bao đời rồi.

Tháng Chạp về, lại nghĩ về những thân phận tha hương nơi đất khách quê người. Chắc không ai nghĩ nhiều về tháng Chạp như những người đi làm ăn xa quê. Họ tất bật cả một năm chỉ đợi tháng Chạp về đoàn viên với gia đình. Người có kinh tế, làm ăn khấm khá không nói. Người cả năm long đong lận đận, thì tháng Chạp về với họ là bao nhiêu nỗi niềm mang theo. Nghe bạn tâm sự, rằng không có tiền về quê ăn Tết, sao mà thấy thương. Chỉ là một hành trình từ Sài Gòn trở về quê, mà xa đến lạ thường! Thời buổi "đồng tiền đi trước", không có tiền thì đường về nhà cũng trở nên cách biệt? Thôi thì cứ quăng hết những sân si và sĩ diện ở trong lòng mà chạy về với mẹ cho kịp đêm Ba mươi.

Giấc mơ tháng Chạp ảnh 2 Thị kho hột vịt - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Nam bộ.

Tháng Chạp. Tôi đang ngồi giữa căn phòng lạnh lẽo xứ người.

Tôi nhớ con mèo nhỏ co ro nơi góc bếp. Nó lúc nào trông cũng buồn buồn. Tôi nhớ căn nhà dưới bằng lá dừa nước, trống hoác trống huơ, ngồi chỗ nào gió cũng rúc vào nheo nhéo thịt da. Tôi nhớ chái bếp lạnh ngắt những chiều mưa mẹ đi làm về muộn. Tôi nhớ đàn gà bị dịch nằm chết rải khắp vườn, những con gà trống mào đỏ chót mẹ dành bán Tết.

 Tôi lại nhớ chiếc bánh bò trắng tinh bà nội hay mua mỗi khi xuống nhà cô Hai ở chơi về. Chiếc bánh nhỏ, nhưng thơm lạ lùng, lại ngọt nữa. Tôi vốn hảo ngọt, lại giống bà nội nhất nhà, nên cái gì ngon nhất bà đều dành tôi hết. Vậy mà, đã hơn 20 năm, tôi không được ăn cái bánh bò nào bà nội mua nữa. Nội tôi đi thanh thản vào chiều Đông lạnh rất sâu, khi thằng cháu biền biệt tha hương chốn Sài Gòn hoa lệ.

Tôi nhớ quán nhà bà Bảy với đủ thứ hàng hóa. Mẹ thỉnh thoảng sai tôi chạy đi mua 200 đồng nước mắm, hay 500 đồng dầu lửa. Tôi thì thích ngồi trên cái băng ghế cũ kỹ ngắm những cây kẹo the màu xanh, kẹo que sọc vàng sọc đỏ bà chưng trong chiếc tủ gỗ lưới sắt. Những gói kẹo me, bánh sữa, bà móc lủng lẳng trên dây, như tha thiết gọi mời. Nhưng chẳng mấy khi tôi có tiền mua, cứ ngắm chán rồi về. Để thỉnh thoảng lại được thỏa thuê bóc kẹo ăn, tỉnh giấc thấy tay mình sờ sờ chiếc chiếu. Chao ôi là những giấc mơ tuổi nhỏ ngọt ngào!

Tôi lại nhớ con đường sau nhà, con đường tôi hay đi một mình vào những sáng dung dăng. Tôi tạt vào hàng rào vườn ông Năm, kiễng chân kéo cành hoa dâm bụt để vặt từng bông mà hút mật. Những bụi cây quen, giờ tháng Chạp, như khoác lên màu nắng mới lung linh. Tôi hái vài bông lục bình, mấy chiếc lá  về cắm vào chiếc chậu nhỏ. Tôi cứ đi qua đi lại nhìn bình hoa độc đáo của mình mà lặng lẽ tự hào.

Tháng Chạp là tháng giáp Tết, tháng của những xôn xao. Nhưng sao ùa về trong tôi lúc này lại là một tháng Chạp khác. Tháng Chạp hắt hiu, nỗi nhớ cứ âm ỉ trong tôi qua tháng qua ngày.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

SVVN - Anh Nguyễn Văn Đạt có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Thế giới di động, đang là Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần Thời trang YODY. Anh là 1 trong số 5 diễn giả khách mời tại talkshow "Chuyển đổi việc làm: Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp" do trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội tổ chức. Đây là chia sẻ của anh dành riêng cho chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong.
Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

SVVN - Tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", diễn ra ở trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TP. HCM), ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM cho biết: “Theo thống kê của Google vào tháng 6/2023, gần 80% người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, thời lượng trung bình là 3 giờ đồng/ngày”.
Báo Tiền Phong và Keppel đưa hai hệ thống máy lọc nước sạch đến người dân tỉnh Bến Tre và Trà Vinh

Báo Tiền Phong và Keppel đưa hai hệ thống máy lọc nước sạch đến người dân tỉnh Bến Tre và Trà Vinh

SVVN - Nhân Ngày Nước thế giới (22/3) với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, báo Tiền Phong phối hợp Tập đoàn Keppel cùng Tỉnh Đoàn Bến Tre, Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức trao tặng hai hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn có công suất sản xuất 12.000 lít nước sạch mỗi ngày.