Cứ 10 doanh nghiệp mới, có 6 doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Cứ 10 DN chào đời thì có 6 DN "chết lâm sàng". ảnh minh họa ​
Cứ 10 DN chào đời thì có 6 DN "chết lâm sàng". ảnh minh họa ​
TPO - Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN. Như vậy, cứ 10 DN mới “chào đời” thì có tới 6 DN “chết lâm sàng”. Vì sao xảy ra thực trạng này?

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới quý 1/2020 là 351,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019. Như vậy, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn DN. Trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Quý 1/2020 cũng có tới 18,6 nghìn DN  tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12,2 nghìn DN  ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 4,1 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có gần 3,7 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,3%; 62 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 21,6%. Trung bình mỗi tháng có 11,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy, 42% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 khó khăn hơn quý IV/2019. Có 25,9% số doanh nghiệp dự báo quý II/2020 khó khăn hơn so với quý I/2020.

“Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,6% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,1% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu”, ông Lâm lý giải về nguyên nhân khiến số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. 

MỚI - NÓNG
Bình luận