Cụ Hồ ở Hàng Châu – Chuyện giờ mới kể

Đại tá Đoàn Sự bên tấm hình của mình phiên dịch cho Bác Hồ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Như Ý
Đại tá Đoàn Sự bên tấm hình của mình phiên dịch cho Bác Hồ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Như Ý
TP - 87 tuổi mà đại tá Đoàn Sự, nguyên Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, vẫn lưu loát hồi tưởng những cuộc phiêu lưu phiên dịch mỗi lần Bác Hồ sang Trung Quốc nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Đại tá có lẽ nằm trong số hiếm phiên dịch có cơ hội được coi như tri kỷ với Bác về thi phú dù trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Không rõ có phải vì thế mà người sỹ quan trí thức ấy được Bác tặng một món quà thú vị mà đến nay ông vẫn lưu giữ.

Ðược dịch cho Bác “nhờ ăn may”

Suốt 20 năm qua, ba lần tôi hầu chuyện đại tá Đoàn Sự về thời khoảng lịch sử hiếm hoi này. Nghe đi nghe lại như để thẩm định xem có gì sai lệch không khi chẳng còn ai làm người thứ ba để thẩm định. Sau mỗi lần nghe, tôi lại tự hỏi tại sao anh phiên dịch hơn hai chục tuổi đầu hồi ấy lại được Cụ kết đến vậy, vừa cho đi dịch nhiều lần vừa đôi khi chia sẻ những chuyện thâm tình.

Bị vặn vẹo tại sao nhiều quá, đại tá chau mày: “Cậu hỏi thế chứ hỏi nữa tớ cũng chịu. Chỉ biết mấy lần ứng biến thì được Cụ thích. Có lẽ vì thế thi thoảng Cụ hạ cố chia sẻ nỗi lòng. Thế thôi”. Đằng sau cái “Thế thôi” ấy là cả kho chuyện Cụ tâm sự với Đoàn Sự mà nhiều cái sống để dạ chết mang theo song cũng có vài cái được đại tá cho phép nói ra.

Cụ Hồ ở Hàng Châu – Chuyện giờ mới kể ảnh 1 Bạn đời 55 năm keo sơn của đại tá Đoàn Sự. Ảnh: Như Ý

“Lần đầu tôi dịch cho Cụ là năm 1956”, đại tá kể. Hồi đó ông làm phó tuỳ viên ở phòng tuỳ viên của đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nhiệm kỳ 1955-1960. Được giao nhiệm vụ dịch cho Bác, ông thừa nhận “nhờ ăn may” là chính. Ông Hoàng Văn Hoan là đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở đó từ năm 1950 (ông còn kiêm chức đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ).

Cả ông Hoan và thư ký của đại sứ là Phan Bình đều giỏi tiếng Hán nhưng không thể thông ngôn vì còn thể diện quốc gia. Mấy cán bộ nữa cũng thạo Hoa ngữ song chưa phải đảng viên như Phạm Ngạc rồi Đặng Nghiêm Hoành. Đấy là chưa kể đi theo Bác lúc nào cũng có thêm hai phiên dịch người Trung Quốc.

Câu hỏi đầu tiên của Bác “Chú có thích phiên dịch không?” và tôi nói thẳng: “Thưa Bác thực tình cháu không thích”. Mãi sau này, khi có cơ hội, Bác mới dần giải thích đấy là một trong những nghề nhiều khám phá nhất. Bản thân Bác cũng từng kinh qua và nó đem lại những cơ may không ngờ.

Trải nghiệm tính tiết kiệm của Bác

Các chuyến công du đối ngoại bí mật của Bác những năm 1950 ít được nhắc đến. Ngay cả khi Trung Quốc và Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao với ta, Bác vẫn thân chinh đi lại như con thoi để thu hút sự ủng hộ của họ. Một lần họp quốc tế từ Liên Xô về, Bác đến chào từ biệt Mao Trạch Đông. Mao Chủ tịch nói: “Này, anh bận rộn thế, ở lại nghỉ một thời gian, chứ sức khoẻ thế này về ngay là không được đâu”. Người khác mà nói, là Cụ không chịu. Nhưng thấy chủ nhà nói thế, Cụ bảo: “Vâng. Xin chấp hành chỉ thị của Mao Chủ tịch”.

Với Mao Trạch Đông cao lớn, đường bệ, khách sáo, Cụ lúc nào cũng nắn nót từng lời, cử chỉ. Ngược lại, với Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó Chủ tịch nước Chu Đức, Cụ như gặp lại chí cốt, vỗ vai vỗ lưng vồn vã. Trước khi đến nhà nghỉ của Mao Trạch Đông ở Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang, nơi đô hội bậc nhất của Trung Quốc 1.000 năm qua), Cụ bảo mọi người về nước hết và chỉ giữ lại ba người. “Tôi chỉ đạo thế này. Chú Kỳ (tức Vũ Kỳ, thư ký của Bác) là một. Cô Việt Hoa là hai. Và chú Sự ở sứ quán là ba. Chỉ ba người đấy thôi”.

Cụ Hồ ở Hàng Châu – Chuyện giờ mới kể ảnh 2 Hai hòn đá luyện tay Bác Hồ tặng người phiên dịch tri kỷ thi ca. Ảnh: Như Ý

Chị Việt Hoa là vợ ông Tống Minh Phương, một Việt kiều ở Côn Minh từ lâu rồi. Khi Việt Nam thành lập quân đội, ông là người đầu tiên tặng quân đội ta khẩu súng Thompson, loại tiểu liên chính của quân đội Mỹ sản xuất từ năm 1921 và được Mỹ trang bị cho cả quân đồng minh ở Trung Quốc. Ông sau này làm tham tán thương mại sứ quán ta ở Bắc Kinh.

Hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng lúc đó sang Côn Minh nói muốn gặp lãnh tụ và ông Phương chính là người giới thiệu họ với Cụ. Vợ ông Phương là Việt Hoa, cũng người Việt. Là phiên dịch như tôi, Việt Hoa có nhiệm vụ nấu cơm vì Cụ thích chị vào bếp làm món Việt. Vợ chồng ông Phương nuôi Cụ mấy năm trời.

Mấy ông bảo vệ, bác sỹ cứ nhao nhao đòi ở lại Hàng Châu cùng. Cụ bảo: “Khổ lắm. Đi làm gì nhiều. Đi đông, bạn sẽ phải bố trí hai xe. Nay chỉ bốn người, chiếc xe hòm bảy chỗ không tốn kém mấy cho bạn. Phải tiết kiệm chứ”.

Bảy ngày ở nhà nghỉ Hàng Châu của Mao Trạch Ðông

“Quay trở lại chuyện ai về ai ở lại nhà nghỉ Hàng Châu, chú Sự nhỉ”. “À, ờ. Em ơi, pha nước cho khách. Mải nói chuyện quên khuấy”. Bà Phạm Thị Ninh, bạn đời của đại tá lặng lẽ phục vụ chủ và khách. Rồi lặng lẽ ngồi sau ghế của chồng, giống như vị trí của một phiên dịch thường thấy sau một chính khách.

Thỉnh thoảng thấy chồng lúng túng về một địa danh hay một danh nhân nào đó, bà nhẹ nhàng chen vào. Có cảm giác bà như cuốn bách khoa thư về cuộc đời của chồng. Khi thấy trò chuyện chủ khách bớt vấp váp, bà lại lặng lẽ rút vào phòng. Người phụ nữ thấp đậm giọng lanh lảnh ánh mắt lúc nào cũng hoạt bát gọi lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn là ông trẻ.

…Xe vừa đến nhà nghỉ Hàng Châu thì một đoàn thiếu nhi đẹp như hoa ra đón tiếp rộn ràng. Lúc sau lại một đoàn thiếu nhi khác đến chúc mừng. Chiều một đoàn nữa. Sau ba lần liên tiếp trong ngày như thế, Cụ chau mày bảo ông Vũ Kỳ khéo nói với bạn, không cần bắt các cháu đến chào mừng nhiều thế.

Tại biệt thự Hàng Châu cảnh mê hồn, Cụ ngụ trên gác, bọn tôi tầng dưới. Suốt một tuần ở đó, sáng nào Cụ cũng dậy thể dục. Một hôm Cụ bảo tôi: “Chú thuộc nhiều thơ Đường, giờ chú đọc mấy bài cho vui”. Tôi liền một mạch bài “Khúc Giang” của Đỗ Phủ làm năm 758 thời Thịnh Đường.

Tại biệt thự Hàng Châu cảnh mê hồn, Cụ ngụ trên gác, bọn tôi tầng dưới. Suốt một tuần ở đó, sáng nào Cụ cũng dậy thể dục. Một hôm Cụ bảo tôi: “Chú thuộc nhiều thơ Đường, giờ chú đọc mấy bài cho vui”. Tôi liền một mạch bài “Khúc Giang” của Đỗ Phủ làm năm 758 thời Thịnh Đường. Chọn bài cũng vì đoán ý Cụ. Lúc bấy giờ, Cụ gần bảy mươi rồi và mấy lần Cụ nói với tôi “Bác chỉ ham thú điền viên”. Cụ chỉnh câu từ cho tôi khi chuyển sang Việt ngữ đại loại thế này: “Tan triều ngày ngày cầm áo xuân/Lại rượu bên sông say mới về/Rượu nợ chuyện thường đâu chả có/Đời người bảy mươi xưa mấy ai/Luồn hoa bươm bướm đêm khuya hiện/Chạm nước chuồn chuồn chầm chậm bay/Truyền rằng phong cảnh đều đổi thay/Tạm thời cùng hưởng đừng xa nhau”. Cụ thuộc rất nhiều Đường thi. Tôi được đi cùng Cụ nhiều có lẽ vì thế chăng. “Thục độc Đường Thi tam bách thủ/Bất hội tác thị hội thú thi”, Cụ nói. Nghĩa là nếu ai thuộc ba trăm bài thơ Đường thì không biết làm thơ cũng biết trộm thơ.

Sau này, Cụ tâm sự một trong những nguồn gốc ra đời cuốn Ngục Trung Nhật Ký. Đây là tập thơ chữ Hán 133 bài theo thể Đường luật do Cụ sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, từ năm 1942 đến năm 1943. Trong tù, Cụ nhặt được cuốn Đường Thi Tam Bách Thủ (唐詩三百首) của ai đó bỏ rơi. Đấy là một tuyển tập gồm hơn 300 bài thơ Đường do học giả Tôn Thù cùng phu nhân Từ Lan Anh tuyển soạn vào thời nhà Thanh. Thế là mang theo và nghiền ngẫm kỹ luật thơ Đường từ đó. 

Cụ vận dụng nhiều dạng của Đường luật, tuân thủ một hệ thống quy tắc phức tạp, từ luật-niêm-vần-đối đến bố cục.

…Thì ra từ bé Đoàn Sự đã có vốn tiếng Hán kha khá. Ở tuổi bát thập thất, ông vẫn nhớ như in hồi đệ nhị học theo kiểu ghép vần Hán tự xen kẽ Việt tự thế này: “thiên-trời, địa-đất, tử-mất, tồn-còn, tử-con, tôn-cháu, lục-sáu, tam-ba, gia-nhà, quốc-nước…".

Không mấy dòng họ ở Việt Nam còn giữ được gia phả từ sâu tít trong lịch sử như họ Đoàn. Tổ tiên của đại tá Đoàn Sự là Đoàn Thượng (1181-1228), một trung thần cuối thời Nhà Lý. Các triều đại về sau, từ Trần đến Lê rồi Nguyễn, đều sắc phong Đoàn Thượng làm Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Còn tín ngưỡng dân gian gọi ngài là Đức Thánh Đoàn Thượng. Đền thờ Đoàn Thượng khá nhiều ở nơi ông sinh ra là tỉnh Hải Dương và ở nơi ông hoá (chết) ở tỉnh Hưng Yên. Cũng hiếm nơi nào của Bắc bộ dùng tên danh nhân đặt luôn cho thôn, cho xã, thậm chí cho trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Một đường phố của Hải Dương cũng được gọi là Đoàn Thượng…

Sửa cố hương thành quyến hương

Một buổi sáng vẫn ở Hàng Châu, đại tá Sự kể tiếp, tôi dịch bài thơ “Tĩnh dạ từ” của Lý Bạch: “Sàng tiền minh nguyệt quang/Ngưng thị địa thượng sương/Cử đầu vọng minh nguyệt/Đê đầu tư cố hương”. Đang cắm cúi đăm chiêu, tự nhiên tôi thấy có bóng ai sau lưng. Quay lại thì thấy Cụ khoác áo bông ngay sát mình từ lúc nào.

“Ô, chú làm cái gì thế này?”. “Cháu dịch thơ ấy mà”. “Thế à. Chú đọc thử xem nào… Ờ, dịch thế cũng được đấy. Nhưng tôi sửa lại một chút nhé. “Đầu giường chiếu trăng sáng” sửa thành “Đầu giường trăng vằng vặc. “Dưới đất đọng giọt sương” thì được rồi. “Ngửng đầu nhìn trăng sáng” sửa thành “Ngửng đầu ngắm trăng sáng”. Còn “Cúi đầu nhớ quê hương” sửa thành “Cúi đầu nhớ quyến hương”.

Cụ nhìn tôi một lát không nói gì. Tôi gãi đầu thắc mắc: “Bác dịch thì hay rồi. Nhưng ông Lý Bạch viết đê đầu tư cố hương cơ mà, sao Bác lại bảo quyến hương?”. Cụ bắt chéo hai tay sau lưng nhìn ra vườn hoa rực rỡ phía trước: “Ông ấy nói thế là tâm trạng của ông ấy. Còn mình khi dịch thì gửi cái tâm tư của mình vào trong đó. Cái quyến hương là bao gồm cả gia quyến”. Thế là Cụ cầm bút sửa thơ cho tôi. Câu đầu tiên, Cụ muốn nhấn mạnh đấy không phải là ánh trăng sáng bình thường.

Câu thứ ba, nhìn không đi sâu vào nội tâm người nhìn bằng ngắm. Ngắm trăng sáng là ngắm cả vầng trăng trong lòng mình. “Bác cũng dịch bài này rồi. Chú nghe thử nhé”. Rồi Cụ đưa tôi tờ giấy do đích thân Cụ chép bằng bút sắt bản dịch bài thơ. Sau này tôi có đưa tờ giấy ấy cho đại tá Hoàng Minh Phương, trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là cây sử sống của quân đội, nhờ chuyển đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Không rõ anh ấy có chuyển đến không? Mấy bài “Cảnh khuya” Cụ sáng tác năm 1947 theo thể thất ngôn tứ tuyệt và “Nguyên tiêu” năm 1948 có nét hao hao hồn cốt của “Tĩnh dạ từ”. 

Chịu khó mà tập tành

“Chẳng biết có phải vì tác dụng của mấy ngày đàm đạo thi phú hay không mà khi chuẩn bị rời Hàng Châu, tôi được Cụ cho một món quà. Nó còn đây”. Đại tá nhanh nhẹn đứng dậy mở tủ, lấy một chiếc hộp nhung đỏ dựng hai hòn đá ra. Trên tường cạnh tủ là ảnh ông chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa đông năm 1958 khi ông mới 24 và Tướng Giáp 47 tuổi. Xế bên là bức to hơn cũng lồng trong khung kính hình Bác Hồ và đại tá ở tiền cảnh trước một đám đông.

“Do tớ là phiên dịch nên luôn đi cùng Cụ chứ vai vế gì đâu”, đại tá giảng giải như thể nhìn thấy băn khoăn trong ánh mắt của khách. “Lúc ấy đang ở Bắc Kinh. Đây là ông Đặng Nghiêm Hoành, người sau này là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ 1987-1997 và là cha đẻ của MC Diễm Quỳnh. Còn đây là ông Phạm Ngạc, sau này làm trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thời kỳ ở Liên Hợp Quốc, rồi đại sứ ở bảy nước Bắc Âu”.

Chuẩn bị rời nhà nghỉ Hàng Châu của Mao Trạch Đông để về nước sau một tuần xả hơi, Cụ tự xếp hành lý mà chẳng nhờ ai làm. Đang cắm cúi bên cái va li mây rất đẹp, Cụ chợt dừng lại. Ngắm nghía hai hòn đá một lúc, Cụ gọi: “Này, chú Sự lại đây”. Tôi giật mình vì lúc đó đang mải theo dõi Cụ. “Bác tặng chú cái này. Chịu khó mà tập tành”.

Đang ngớ người thì Cụ bồi luôn: “Chú lười lắm. Thanh niên mới có hai mươi mấy mà chả chịu tập tành gì cả”. Cụ ngửa rồi sấp đôi bàn tay săn mảnh của mình: “Hai bàn tay này có rất nhiều huyệt đạo liên kết với các khí quan trong cơ thể. Chú có biết đông y ví lòng bàn tay như trái tim thứ hai không? Vận động bàn tay nhiều có tác dụng gì?”. “Chắc làm lưu thông khí huyết ạ”. “Không chỉ thế thôi đâu. Nó còn làm giảm đau đầu, đau bụng, kể cả giảm đau dạ dày”.

Thấy tôi ngần ngừ, Cụ bảo: “Bác cứ tặng chú. Thế chú Kỳ đồng ý không?”. Anh Vũ Kỳ cười: “Đấy là tuỳ Bác thôi ạ”. Tôi hỏi: “Thế Bác lấy gì mà tập?”. “Bác có hai hòn đá khác rồi”. À, đúng rồi.  Đấy không phải hai hòn đá hằng ngày Cụ vẫn tập. Chúng đẹp và mới hơn hai hòn kia, nom như đá mã não màu kem, mặc dù kích thước như nhau, cỡ như quả trứng gà pha. Hai hòn đá được chủ nhân tặng Bác khắc mấy dòng chữ và hình con voi nữa đây này. 

Lão niên 63 năm tuổi Đảng cầm hai hòn đá mã não xoay xoay cho phóng viên ảnh Tiền Phong Như Ý chụp hình. Anh phóng viên bảo ông xoay tiếp, xoay mạnh đi để con lấy được cảnh tự nhiên. “Đấy, ngày nào Cụ cũng cứ xoay thế này. Rồi hạ lên hạ xuống thế này”, đại tá cựu Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Quân đội, Bộ Quốc phòng, cười mãn nguyện trong vòng xoay chầm chậm luân hồi của hai hòn đá Bác Hồ tặng.

Cụ tiết kiệm thì thôi rồi. Một lần Bắc Kinh bố trí cho Cụ chiếc phản lực chở khách Tupolev TU-104 hai động cơ của hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô bay sang Tiệp Khắc. Cụ hỏi nó chở được bao nhiêu người. Từ 50-100 hành khách. Ôi thế không được. Các chú bảo sứ quán mua vé cho đoàn đi chung với hành khách. Thế là cả sứ quán cuống cuồng cùng các bạn Trung Quốc và Aeroflot khẩn trương thu xếp một khoang riêng cho đoàn thượng khách Việt Nam trên chuyến thương mại chở chung 80 khách.  

MỚI - NÓNG