Cù lao 10 không

Cù lao 10 không
TP - Đúng ngày 30-4-2008, huyện Tân Phú Đông (cù lao Lợi Quan) chính thức thành lập trên cơ sở tách ra từ hai huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông có sáu xã, diện tích tự nhiên 20.208 ha và 42.926 nhân khẩu. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 10 của tỉnh Tiền Giang.

Tròn ba năm ra đời, chúng tôi trở lại Tân Phú Đông theo đường 877 từ TX Gò Công qua phà Tân Long đi hết từ đầu đến cuối cù lao Lợi Quan một lần bằng xe máy để cảm nhận những đổi thay và chiêm nghiệm đất và con người xứ này.

Vùng đất kỳ bí... nhiều bà

Người dân làng Phú Thạnh Đông còn lưu truyền một giai thoại khá li kỳ: Xưa có một lái buôn từ miền Trung đi ghe vào Gò Công đã cho một người quá giang lên tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân ngày nay. Nhưng khi lên bờ người này nói rằng: Ta không phải người, ta có quyền ăn thịt 100 người ở đây, ông là người đầu tiên. Nhưng ta tha ông lần này và đừng gặp ta nữa. Nói rồi, giũ lông rùng mình biến thành con cọp nhảy thẳng lên bờ. Từ đó, lần lượt nhiều người bị “ông cọp” bắt. Linh hồn những người chết về báo mộng mách cho dân làng làm cái bẫy ở Kinh Nhím (thuộc ấp Kinh Nhím, xã Phú Thạnh ngày nay) để bắt cọp. Nhưng cọp không vào bẫy bùa, đến khi người chủ ghe năm xưa đến thì cọp ứa nước mắt vồ ông chết… đủ 100 người rồi cọp chết luôn.

Đi trên cù lao Lợi Quan ngày nay, dễ nhận địa danh có rất nhiều tên các bà như: Bà Từ, Bà Tài, Bà Chủ, Bà Tiên, Bà Thao, Bà Lắm... Tên mỗi bà được gắn với một giai thoại nghe khá li kỳ về thuở vùng đất hoang sơ mới khai khẩn.

Tại ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh có rạch Bà Tài và một cái miễu thờ gọi là Miễu Bà Tài, linh thiêng nhất trong vùng. Hàng năm, vào ngày 20-2 Âm lịch nhân dân cúng bái tế lễ để tưởng nhớ công lao của bà cũng như các bậc tiền nhân đã khai phá đất này. Miễu được xây năm 1837 do bà Phạm Thị Tài đứng lập.

Theo lời ông Huỳnh Công Luôn, (xã Phú Thạnh) 86 tuổi kể: Bà Từ nổi tiếng là rất giỏi võ nghệ và được người dân gọi là bà Từ Phi. Một lần nọ, có con heo đang bị 3 con cọp cắn xé, bà Từ bảo để bà ra kiếm cho cái đùi về ăn. Lúc đó, đàn ông sợ hết hồn, leo lên nóc nhà, ngọn cây để trốn. Bà Từ Phi hét một tiếng mấy con cọp liền dạt ra xa. Bà Từ Phi lóc một cái đùi đi về, cọp mới dám quay lại ăn. Nghe đồn rằng hai con gái của bà cũng rất giỏi võ nghệ. Nhiều người đến cầu hôn nhưng đấu võ thua nên bỏ cuộc. Cũng như các Bà khác đều là những phụ nữ tài giỏi, xuất chúng thời khai hoang, mở đất vừa chống chọi với thú dữ trên bờ, dưới sông để bảo vệ dân làng và duy trì cuộc sống nên các bà được con cháu và dân làng lập am, miễu thờ cúng như các vị thần làng và đặt tên cho các địa danh.

Cù lao 10 không ảnh 1
Ảnh: Đông Kha
Ảnh: Đông Kha.

Bao giờ xóa hết “10 không”?

Phà Tân Long qua Cửa Tiểu, nặng nề chậm chạp như một cụ rùa nghìn tuổi bò qua sông. Trên lưng chở theo con người, xe gắn máy, xe đạp và chiếc xe múc đào đất càng làm nặng nề thêm khi nổ máy rút mỏ phà quày trở qua bờ. Cô bé ngồi cạnh bên tên Hồng Thủy rất xinh, cho hay: Từ lớp 8 đã sang TX Gò Công học, nên qua lại bến sông riết thành quen. Trước đây 3 năm, cù lao Lợi Quan không có trường cấp 2, 3 học sinh phải qua Gò Công, Chợ Gạo thuê nhà trọ để học.

Dạo trước mấy anh bạn nói chuyện về Tân Phú Đông mà nghe tưởng như chuyện đùa: là huyện duy nhất ở ĐB SCL có… 10 không! Không bến xe, không trụ sở, không chợ huyện, không bệnh viện cấp huyện, không nhà văn hóa, không nước ngọt, không thị trấn, không sân vận động, không cơ sở công nghiệp và không cán bộ cấp huyện là người địa phương.

Tuy cách nhận xét chưa thật chuẩn, nhưng là thực trạng của Tân Phú Đông sau 3 năm thành lập. Có thể nói đổi thay rõ nét nhất là các trường học bậc tiểu học, trung học cơ sở và một trường trung học phổ thông Phú Thạnh được đầu tư xây dựng khá khang trang cùng với hệ thống điện lưới quốc gia phủ sóng.

Tân Phú Đông hiện có 6 trạm cấp nước chính là Tân Thới, Tân Hương, Tân Thành, Phú Thạnh, Phú Đông và Tân Thạnh. Nước ngọt được trữ trong ao vào mùa mưa, sau đó xử lý phục vụ các cụm dân cư. Từng hộ dân cũng chủ động xây hồ, bể chứa, lu mái trữ nước tiêu dùng trong 6 tháng mùa nắng. Do triều cường và nước mặn thâm nhập quá sớm, những cánh ruộng trồng màu của nhiều xã đã nhiễm mặn cháy vàng hoe lá. Mới cuối tháng tư mà cù lao nhuốm màu vàng úa của cỏ lá cháy sém vì nước mặn.

Sau ba năm thành lập, đến nay chưa triển khai xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính, các cơ quan Đảng và lực lượng vũ trang cấp huyện. Xã Phú Thạnh nằm ngay bờ phà Tân Long có mấy ki-lô-mét đường nhựa, tạm xem là trung tâm huyện. Công an huyện, Chi cục thuế nằm nhờ trong sân UBND xã, với các dãy phòng làm việc dạng container. Anh Hoàng Lâm- Chủ tịch MTTQ xã cho biết thêm: dự án xây dựng trung tâm hành chính của huyện chưa triển khai vì chưa có đất. Theo kế hoạch, huyện Tân Phú Đông đang trình phương án bồi thường giải tỏa khoảng 50 tỷ đồng cho khu hành chính trung tâm huyện.

Chợt nhớ lúc tìm các cán bộ cơ quan UB huyện nhằm ngày lễ, không thấy bóng dáng ai cả. Một anh bạn dân bản địa cho biết: Cán bộ cấp huyện… về bên nhà nghỉ hết rồi. Cái chữ “về bển” của anh Dũng nói, có nghĩa là “không” thứ hai: không cán bộ cấp huyện là người địa phương.

Gia đình chị quán cơm tranh thủ xem ảnh bằng... laptop
Gia đình chị quán cơm tranh thủ xem ảnh bằng... laptop.

Theo chỉ dẫn của chị bán quán cơm gần trường THPT Phú Thạnh kể chuyện:

Mỗi năm cù lao này phải chịu sáu tháng nước mặn nên sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ đỡ rồi, mấy năm trước nắng nóng và nhiễm mặn nhiều như thế này là không còn nước uống phải đi mua. Tân Phú Đông còn trên 52 % hộ nghèo và cận nghèo là bài toán nan giải.

Nhìn cảnh hai vợ chồng chị loay hoay bên cô con gái là sinh viên Tin học- Ngoại ngữ ở TPHCM về thăm nhà, bê máy laptop ra ngồi chồm hỗm cạnh bếp nấu ăn, xài ké ổ điện mở khoe hình, phim quay cho ba mẹ xem vừa lạ mắt, vừa độc đáo chỉ có trên đất cù lao này. Không biết thế hệ U20 có học hành như cô bé này, mai sau có về lại cù lao làm việc hay không?

Bình quân mỗi ngày trên cù lao có 3 chuyến xe đò lên thành phố và 2 chuyến về lại nhưng huyện chưa có bến xe. Cả huyện không có ai sắm nổi ô tô. Vài chiếc xe nhìn thấy ven lộ đều mang biển số TPHCM. Khu đất qui hoạch xây dựng bến xe khách chỉ trơ một tấm bảng hiệu. Chợ xã Phú Thạnh (tạm coi là chợ huyện) lèo tèo bán mấy thứ đồ nhựa, giày dép nhìn trống trước, trống sau.

Tân Phú Đông còn quá nhiều khó khăn về hạ tầng, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt phải mất nhiều năm nữa mới có thể xóa bớt dần những cái không.

Theo con đường mới san ủi, rải sỏi bụi bay mù mịt, chúng tôi ngược về hướng phà Bình Ninh (qua Chợ Gạo), khoảng 5 cây số nhìn thấy trạm y tế xã nâng cấp thành Trung tâm y tế huyện. Khá lâu đứng nhìn, vẫn không nhìn thấy ai ra vào, không như các trung tâm y tế các nơi khác. Những khu vườn chuyên canh trồng mãng cầu xiêm ven đường bụi đường đã quét lên một màu trắng như tuyết. Rừng mãng cầu chuyên canh giờ trông như những khu rừng bạch dương nước Nga mùa Đông.

Cô bạn Huỳnh Thu Anh- xã Tân Thới tâm sự: giấc mơ của người dân cù lao rất giản đơn: nước ngọt và đường tráng nhựa. Vậy mà hàng chục năm trôi qua chưa thành sự thật.

Tân Phú Đông còn quá nhiều khó khăn về hạ tầng, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt phải mất nhiều năm nữa mới có thể xóa bớt dần những cái không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.