Cục trưởng Cục trẻ em: 'Cơ hội đi học, việc làm của trẻ em khuyết tật thấp'

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Cục trẻ em- Bộ LĐTB&XH cho rằng, cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật (TEKT) thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn.

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Cung cấp dịch vụ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng diễn ra sáng nay, 10/12 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các đại diện đến từ các cơ quan của các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, đại diện các Hội về người khuyết tật, Hội cha mẹ có con khuyết tật, các trung tâm nghiên cứu liên quan đến người khuyết tật và trẻ em khuyết tật, các chuyên gia, giảng viên của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, đại diện các UN, các tổ chức quốc tế,..

Cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp

Phát biểu tại Hội thảo sáng nay, Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn công ước quốc tế quyền trẻ em và không bảo lưu một điều nào. Trong thời gian qua công tác BVCSTE đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ông Hoa chia sẻ, các quyền của trẻ em ngày càng được bảo đảm hơn về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em khuyết tật ngày càng tốt hơn.

Khung pháp lý, các quy định pháp luật chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt trẻ em khuyết tật ngày càng hoàn thiện: đã ban hành Luật trẻ em 2016 quy định đầy đủ các quyền trẻ em trong đó có quyền trẻ em khuyết tật; Ban hành Luật người khuyết tật trong đó quy định cụ thể việc hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tâm lý, được giáo dục và đào tạo nghề; ban hành các Chính sách hỗ trợ cụ thể cho trẻ em khuyết tật.

Ông Hoa cũng thông tin, hiện nay, theo kết quả khảo sát của Tổng cục thống kê cả nước Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT chiếm 7% dân số 2 tuổi trở lên. 1,5 triệu TECHCĐB trong đó có 671.659 trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi (theo báo cáo Điều tra quốc gia người khuyết tật của TCTK).

Tỷ lệ trẻ em bị khuyết tật theo tuổi: 2-17 tuổi: 2,79 % ; 2-4 tuổi; 2,74 % . Tỷ lệ người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều (17,8%) có hơn tỷ lệ người không khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều là (13,9%).

“Tôi mong muốn hội thảo sẽ được nghe nhiều ý kiến từ thực tiễn về những kết quả, khó khăn, thuận lợi, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật nhằm giúp các em hòa nhập cộng đồng”- ông Hoa nói.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em- Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm. Tỷ lệ người 15 tuổi trở lên không khuyết tật cao gấp 2,5 lần (82,4%) Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên có việc làm (31,7%).

Bà Hoa cũng thông tin, người khuyết tật được đào tạo nghề chỉ chiếm 7,25% trong khi đó người không khuyết tật được đào tạo nghề là 21,93%. Tương tự, tỷ lệ người khuyết tật và không khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm chỉ chiếm 31,7%.

Tỷ lệ trẻ em khuyết tật từ 01-5 có thẻ BHYT là 97%. 91,5% người khuyết tật bị ốm/ bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng. 90,6% trạm y tế giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc giáo dục cho người khuyết tật; 88,3% trạm y tế có tài liệu theo dõi người khuyết tật.

“Chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 trường có một giáo viên được đào tạo về dạy trẻ em khuyết tật”- bà Hoa nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục trẻ em: 'Cơ hội đi học, việc làm của trẻ em khuyết tật thấp' ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đ.H

Năm 2025: phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em- Bộ LĐTBXH cho rằng, mục tiêu theo đề án, cụ thể đến năm 2025 sẽ phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.

Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

Cũng theo bà Hoa, phấn đấu 90% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

Phấn đấu 90% các tỉnh, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Giải pháp trong thời gian tới

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em- Bộ LĐTBXH cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức kỹ năng về chăm sóc trẻ em khuyết tật cho các cấp, các ngành, cộng đồng, ưu tiên cho mẹ người chăm sóc trẻ em khuyết tật.

Hoàn thiện bộ tài liệu truyền thông chuẩn về chăm sóc trẻ em khuyết tật, hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp với các ngành, các tổ chức quốc tế, UNICEF nghiên cứu rà soát các dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật, các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hòa thiện.

Hoàn thiện hướng dẫn gói dịch vụ chăm sóc trẻ em khuyết tật và mô hình mạng lưới kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em để phổ biến nhân rộng.

Hoàn thiện hướng dẫn quy trình kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Đà Nẵng: nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội cao hơn

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Sở LĐTBXH thành phố Đà cho biết, theo thống kê toàn thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 310.000 trẻ em (chiếm tỷ lệ 25,9% dân số); trong đó, có hơn 3.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB), chiếm tỷ lệ 1,03% dân số trẻ em; và hơn 13.400 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong số TECHCĐB, nhóm nhiều nhất là trẻ em khuyết tật với gần 2.900 em (gồm 364 em khuyết tật đặc biệt nặng; 1.690 em khuyết tật nặng).

Thành phố thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với trẻ em khuyết tật; nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội cao hơn quy định của Trung ương từ 360.000 đồng lên 400.000 đồng; TEKT nặng, đặc biệt nặng được giải quyết chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định; Ngoài ra, thành phố cũng vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập; dụng cụ tập phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế cho gia đình trẻ khuyết tật; …. Đảm bảo chi trả kịp thời đầy đủ cho 100% cá nhân và hộ gia đình chăm sóc NKT đặc biệt nặng hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng.

Mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở tiếp nhận và tư vấn, can thiệp và trị liệu cho các trường hợp trẻ gặp khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, vận động, rối loạn phát triển và các trường hợp TEKT có nhu cầu cần trợ giúp .

Hiện nay, ngoài cán bộ làm công tác trẻ em cấp quận, huyện, xã, phường, thành phố còn có đội ngũ nhân viên công tác xã hội cấp xã, phường (đội ngũ cộng tác viên công tác XH được hỗ trợ 1 lần mức lương cơ bản, hiện nay là 1.490.000đ/tháng); Ngoài ra, có 1.809 cộng tác viên thôn, tổ dân phố; Đặc biệt, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em các cấp của thành phố Đà Nẵng đã hoạt động rất hiệu quả trong việc tiếp nhận thông tin, tư vấn kịp thời cho các gia đình trẻ em khuyết tật cần sự can thiệp, trợ giúp và kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng.

MỚI - NÓNG