Tác giả Nguyễn Mến là Tổng giám đốc Công ty CP Thời trang MC Việt Nam với khoảng 300 đại lý trên toàn quốc. Cô cũng là nhà sáng lập 5 thương hiệu thời trang: MC Fashion, Anadi home, Gala Lady, MC Young, Anadi Young. Ngày 12/6/2020, Nhà xuất bản Thanh Niên đã phát hành 2 cuốn sách của cô: “Nhất định phải kinh doanh cái gì đó” và “Nhất định phải tự chủ và hạnh phúc”.
Doanh nhân, tác giả Nguyễn Mến, cựu sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải.
Tôi là một người rất yêu thích kinh doanh, niềm đam mê đó đã ăn vào máu ngay từ khi tôi còn rất nhỏ. Mặc dù gia đình không có truyền thống kinh doanh, nhưng trong tâm trí tôi luôn nung nấu ý định: Lớn lên sẽ phải buôn bán cái gì đó để kiếm nhiều tiền, để giúp đỡ gia đình vì gia đình tôi nghèo lắm.
Tôi học chuyên khối C, nhưng lại trúng tuyển vào trường đại học khối A – trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Tôi học khoa Kinh tế Vận tải Du lịch. Cuộc sống của tôi bắt đầu có nhiều điều thú vị từ sự trái ngược đó. Bốn năm làm lớp trưởng, tôi có cơ hội giao lưu nhiều hơn, thực hành thực tế nhiều hơn thông qua các hoạt động đoàn thể, hội nhóm. Tôi trở nên năng động, hoạt bát và chủ động trong cuộc sống ngay từ năm đầu tiên bước chân vào trường đại học. Sang năm thứ hai, tôi bắt đầu đi làm thêm, một mặt vì tôi thích sự trải nghiệm thực tế như vậy, một mặt là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em trai tôi cũng chuẩn bị lên đại học, bố mẹ tôi không thể nuôi hai chị em cùng một lúc. Tôi là chị, tôi cần tự lập và tự lo việc học hành của mình. Tôi vui vẻ bước ra xã hội với tinh thần đầy hứng khởi. Tôi đi học ban ngày, buổi tối đi dạy thêm. Thời sinh viên của tôi, nghề gia sư còn “hot” lắm, tôi kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình.
Nhưng tôi không dừng lại ở đó, đam mê của tôi là kinh doanh. Tôi không bao giờ thôi nung nấu đam mê ấy. Tôi tiết kiệm được chút tiền từ việc dạy thêm và có mượn thêm một số vốn nhỏ từ người thân. Tôi bắt đầu thử nghiệm công việc kinh doanh từ những sản phẩm đơn giản, giá rẻ với số tiền ban đầu chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Tôi đi các chợ đầu mối để nhập các sản phẩm như gấu bông, đồ mỹ kí về bán ở các khu vỉa hè gần các trường đại học, bán cho sinh viên là chủ yếu. Vào những dịp lễ, tôi cùng một vài người bạn đi rất xa để nhập được hoa tận vườn về thành phố bán. Mỗi dịp như vậy, tôi cũng kiếm được một khoản vốn để xoay vòng kinh doanh tiếp. Vừa đi học, vừa đi dạy thêm, vừa kinh doanh kiểu sinh viên đã khiến năm đại học thứ hai của tôi trôi qua rất nhanh. Tôi vẫn đảm bảo công việc học tập, vai trò của lớp trưởng khá tốt, nhưng tôi không còn nhận được học bổng và không tham gia được nhiều hoạt động đoàn thể như năm đầu tiên nữa. Tôi chấp nhận điều đó vì sự lựa chọn của tôi là tự lập và theo đuổi niềm yêu thích kinh doanh. Năm thứ ba, thứ tư đại học, tôi bắt đầu tham gia vào các công việc kinh doanh lớn hơn. Tôi đầu tư đi học về kỹ năng mềm và tư duy làm giàu rất nhiều. Máu kinh doanh của tôi càng ngày càng cao, tôi đầu tư vào các dự án với mong muốn kiếm tiền nhanh hơn. Nhưng mọi việc không như tôi nghĩ, kinh doanh nhỏ lặt vặt khác với việc kinh doanh đầu tư lớn trên thị trường. Tôi mất khá nhiều tiền, thời gian và công sức cho các công việc như vậy. Số tiền đó là do tôi đi vay mượn để đầu tư. Lúc được lúc mất, nhưng số tiền chi phí của tôi lớn hơn nhiều số tiền tôi nhận được, nên càng ngày tôi càng bị lấn sâu vào vòng quay của tiền. Có nhiều lúc, tôi thấy quá áp lực về tài chính.
Rồi tôi trấn tĩnh lại, không thể để mình như thế mãi được, sẽ vô cùng nguy hiểm. Tôi quay trở lại với công việc dạy thêm để kiếm được nguồn tiền ổn định hằng tháng trước khi ra trường. Gần hai năm tham gia vào các công việc kinh doanh đầy biến động và đi học rất nhiều nơi đã giúp tôi có kiến thức và kỹ năng mềm rất tốt. Tôi bắt đầu đi làm thêm với các công việc liên quan đến giáo dục đào tạo, đó cũng là niềm yêu thích của tôi bởi tôi có khả năng thuyết trình, thuyết phục và khả năng đứng trên sân khấu rất tốt. Thời gian đó, tôi cũng muốn mình phục hồi năng lượng để chạy nước rút trên hành trình kết thúc 4 năm đại học. Tôi tạm ngừng công việc kinh doanh một thời gian, tuy nhiên, khoản nợ từ việc đầu tư kinh doanh của tôi vẫn còn đó.
Tôi kết thúc 4 năm học đại học với tấm bằng khá đẹp. Có lẽ là lớp trưởng nữ trong trường toàn con trai nên tôi được thầy cô ưu ái. Và cũng có thể là do khả năng học rất nhanh của tôi nên dù không dành quá nhiều thời gian cho việc học tập trên lớp, tôi vẫn luôn đứng trong top 3 sinh viên có thành tích xuất sắc nhất lớp về điểm số. Tôi có cơ hội được giữ lại làm giảng viên của khoa. Nhưng tôi đã bỏ qua. Bởi niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng và khát khao làm giàu của tôi bắt đầu được nung nấu trở lại. Tôi kết thúc 4 năm đại học và bước đi đầy hi vọng!
Bài học tôi rút ra là:
Trường học giống như một xã hội thu nhỏ và việc làm lớp trưởng giúp tôi có cơ hội tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn, để hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp, ngoại giao, đây là những thứ rất cần thiết cho việc kinh doanh của tôi sau này.
(Trích từ sách “Nhất định phải kinh doanh cái gì đó” của tác giả Nguyễn Mến)