Khánh Hòa khi còn là sinh viên Trường Đại học Thủy lợi. |
Theo Khánh Hòa, khi học phổ thông, bản thân đã có nhiều băn khoăn khi chọn Chương trình tiên tiến của Trường Đại học Thủy lợi; nhưng sau khi ra trường, học lên cao học và đi làm cho một tổ chức phi chính phủ ở Nhật Bản rồi hiện tại làm kỹ sư về kỹ thuật dân dụng ở Mỹ thì đã thực sự hài lòng với quyết định của mình.
Khánh Hòa (người mặc áo dài đỏ) trong buổi bảo vệ Đồ án tốt nghiệp. |
Nói về cơ duyên chọn Chương trình tiên tiến tại Trường Đại học Thủy lợi, với Hòa, đó là quyết định sau nhiều lần nói chuyện với bố - một kỹ sư Thủy Lợi mẫn cán.
Mình vẫn nhớ bố từng nói: "Làm kỹ sư ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thì rất nhiều nơi cần nhưng bên cạnh đó để nghề nghiệp phát triển ổn định và không bị thụt lùi so với thế giới thì cần có tiếng Anh. Ở thời đại thế giới mở như hiện nay, tiếng Anh là chìa khóa mở, kết nối với toàn thế giới. Hầu hết mọi thứ được dịch ra tiếng Anh, con muốn tìm hiểu tài liệu thì tìm kiếm bằng tiếng Anh sẽ ra nhiều kết quả nhất, cơ hội để con tiếp cận thế giới ngoài kia cũng cao hơn khi con có ngoại ngữ thông dụng này.”
Thực tế, Trường Đại học Thủy lợi có 2 ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, hợp tác với các đại học danh tiếng của Mỹ. Đó là chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật xây dựng - Hợp tác với Đại học Arkansas và ngành Kỹ thuật tài nguyên nước - Hợp tác với Đại học Bang Colorado, Hoa Kỳ.
Khánh Hòa tại Đại học Chuo, Nhật Bản trong buổi nhận bằng Thạc sĩ. |
Cũng có nhiều bạn thắc mắc không biết chất lượng dạy học ở Việt Nam thì liệu có khác nhiều không? Với kinh nghiệm làm việc tại Công ty tư vấn thiết kế của Mỹ, Hòa khẳng định những thứ được học ở Chương trình tiên tiến giúp ích cho công việc của bản thân rất nhiều. “Mình không hề cảm thấy bỡ ngỡ hay phải “học lại từ đầu” tý nào thậm chí thấy bản thân không thua kém với những bạn tốt nghiệp “Trường Mỹ” ở Mỹ. Có thể bạn không biết nhưng nếu muốn làm việc ở Mỹ thì dù bạn có bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ, muốn trở thành Kỹ sư quản lý dự án bạn phải trải qua 2 kỳ thi là Fundamental Engineer (FE-Kỹ thuật cơ bản) và Professional Engineer (PE-Chuyên gia kỹ thuật). Mình có tham gia hội nhóm của những người thi hai kỳ thi này, phải nói là hai kỳ thi này không hề dễ vì có những người thi FE tới 7 lần mới đỗ. Mỗi lần không đỗ là phải chờ từ 3 đến 6 tháng mới được thi tiếp. Kiến thức thi cho kỳ thi FE - Kỹ thuật cơ bản không khác gì những thứ mình được học ở Chương trình tiên tiến”- Khánh Hòa chia sẻ thêm.
Với vốn kiến thức sẵn có, chính bản thân Hòa cũng thành công và kết quả thể hiện qua những kỳ thi tại Mỹ. “Sau 1 tháng đỗ FE tôi tiếp tục tự học và sau đó 6 tháng thì đỗ tiếp PE. Kết quả thật bất ngờ khi tôi đỗ lần lượt FE và PE chỉ trong vòng 1 năm. Vậy là từ giờ mình chỉ cần trau dồi kinh nghiệm, trong vòng 2 năm nữa mình sẽ có con dấu PE riêng và có thể quản lý dự án riêng”.
Khánh Hòa tại Văn phòng làm việc của Công ty Cổ phần dịch vụ thiết kế TBIRD – Mỹ. |
Dẫu chọn ngành nào đi nữa, cũng hãy cố gắng hết sức để đạt được thành quả cao nhất. Có thể bạn không chọn hoặc sẽ chọn Chương trình tiên tiến, thế nhưng lợi thế tiếng Anh cho những bạn tìm việc ở “Nước nhà” và cơ hội phát triển sự nghiệp tốt ở “Nước bạn” là không thể phủ nhận.