Đà Lạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên sườn đồi, xem xét trách nhiệm chính quyền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TP Đà Lạt đang siết chặt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng để phòng chống sạt lở, trượt đất; xem xét trách nhiệm quản lý của lãnh đạo các phường xã trong lĩnh vực này.
Đà Lạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên sườn đồi, xem xét trách nhiệm chính quyền ảnh 1

Vụ sạt ta-luy làm 2 người chết, 5 người bị thương trên đường Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt

Ngày 10/8, UBND TP Đà Lạt cho biết đã kiểm tra thực tế hiện trường để xử lý một số vị trí có nguy cơ sạt lở trên đường Khe Sanh và đèo Mimosa.

Qua kiểm tra cho thấy, tập thể lãnh đạo UBND phường 10 đã thiếu kiểm tra, giám sát việc đình chỉ thi công các công trình vi phạm, thiếu các biện pháp, giải pháp cảnh báo, báo hiệu cho người dân tại các công trình, vị trí có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn phụ trách. Đặc biệt là công trình xây dựng tại thửa đất số 330, tờ bản đồ số 8 (đường Khe Sanh, phường 10) có nguy cơ sạt lở nhưng chính quyền địa phương chưa kịp thời có biện pháp xử lý.

Đà Lạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên sườn đồi, xem xét trách nhiệm chính quyền ảnh 2

Công trình xây dựng tại thửa đất số 330 có nguy cơ sạt lở

Cũng theo UBND TP Đà Lạt, địa phương đã thành lập 4 tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của các phường, xã về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng và phòng chống thiên tai. Mỗi tổ do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch của UBND TP Đà Lạt phụ trách.

Mục đích thành lập các tổ công tác nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kể trên.

Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra bất kỳ công trình nào đang thi công; cũng như các vị trí, khu dân cư, cơ sở kinh doanh, trường học… có nguy cơ sạt trượt. Qua đó, các phường, xã kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm về mục đích sử dụng đất; chủ động có biện pháp xử lý, phòng, chống sạt lở, trượt đất.

Đặc biệt, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu, các phường, xã kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở lưu trú du lịch, điểm nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các địa điểm “săn mây”, “check-in” ở khu vực chênh vênh trên sườn đồi, dốc núi.

Đà Lạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên sườn đồi, xem xét trách nhiệm chính quyền ảnh 3

Những điểm săn mây ở ngoại ô TP Đà Lạt thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh

Những khu vực trọng điểm cần siết chặt công tác quản lý bao gồm các tuyến đường đèo, dốc có mái ta luy cao qua địa bàn các xã: Tà Nung, Xuân Trường, Xuân Thọ, đèo Mimosa.

Cơ sở nào đảm bảo theo quy định mới cho phép hoạt động hoặc xem xét phương án cho kinh doanh theo mùa (hạn chế hoạt động trong mùa mưa bão); kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động hoặc tổ chức cưỡng chế khi cần thiết đối với các trường hợp vi phạm.

Mặt khác, các phường, xã tổ chức kiểm tra tất cả nhà ở riêng lẻ nằm sát vách núi, sườn núi, khe suối…; qua đó, xác định từng vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt trượt công trình để có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa; kịp thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để thiệt hại về người khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Đà Lạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên sườn đồi, xem xét trách nhiệm chính quyền ảnh 4
Nhiều ngôi nhà chênh vênh bên sườn đồi ở TP Đà Lạt

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; trong đó, riêng TP Đà Lạt có 60 vị trí, chiếm tỷ lệ gần 37%. Chính quyền địa phương đã di dời 27 hộ dân đến nơi an toàn.

Đáng lưu ý, trong những tháng đầu của mùa mưa năm nay, TP Đà Lạt là địa phương có số vụ tai biến địa chất và thiệt hại về con người, tài sản cao nhất tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, đã xảy ra 15 vụ sạt lở đất, ta luy sau các trận mưa lớn kéo dài, làm 5 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều căn nhà bị hư hại.

MỚI - NÓNG