Đã ước mơ, sao không mơ lớn?

SVVN - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chuyên trang Sinh Viên Việt Nam xin giới thiệu bài viết của cô giáo Nguyễn Vân Anh – Giảng viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh.
Đã ước mơ, sao không mơ lớn? ảnh 1

Bị bắt nạt tập thể khi còn nhỏ, mình đã từng rất tự ti về bản thân và mất phương hướng. Mình cứ luôn nghĩ rằng bản thân xấu xí, vô dụng. Nó như một “bóng ma tâm lý” cứ đeo bám lấy mình cho đến lúc trưởng thành, khiến mình bị ám ảnh và ngại tiếp xúc với mọi người. Mãi cho đến khi lên cấp 3, đặc biệt là thời gian học đại học, mình mới có thể dần dần gỡ bỏ những mặc cảm để thể hiện bản thân, hoà nhập với thế giới xung quanh, vì bên mình luôn có gia đình, thầy cô tâm lý và những người bạn tuyệt vời.

Thời điểm đó, mình đến với Trường Đại học Vinh như một cái duyên. Trong khi bạn bè mình ra Hà Nội học, mình lại chọn Trường Đại học Vinh để được gần bố mẹ. Và mình chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh là nơi bồi dưỡng cho những ước mơ, là khởi đầu cho chuyến hành trình chinh phục tri thức của mình.

Từ những ngày đầu của thời sinh viên, mình đã được thầy cô dạy rằng “Sinh viên là tỷ phú thời gian”. Vậy nên mình đã xác định trường đại học là môi trường để mình phát triển bản thân, rèn luyện và trưởng thành. Là sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, mình luôn cố gắng lập kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian hợp lý để có thể vừa chú tâm vào việc học để nâng cao trình độ chuyên môn vừa tham gia các hoạt động Đoàn – Hội của trường để rèn luyện các kỹ năng mềm. Mình từng là đội trưởng đội tình nguyện quốc tế tại Lào năm 2015. Năm học 2014-2015, mình vinh dự là sinh viên duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương. 

Tốt nghiệp năm 2016, mình được Trường Đại học Vinh giữ lại làm giảng viên tại Khoa Sư phạm Ngoại ngữ. Năm 2017, mình nhận học bổng và học thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ tiếng Anh và Ngôn ngữ ứng dụng học tại trường đại học Huddersfield, Vương quốc Anh. Giấc mơ Anh quốc ấp ủ từ khi còn là cô sinh viên đã thành hiện thực. Trước ngày mình lên đường, thầy cô – những người đã đồng hành cùng mình trong những năm tháng chuẩn bị hồ sơ có nói: “Chúc con bình an và thành công. Cố gắng học hỏi và trải nghiệm cuộc sống mới. Thầy tin con làm được”. Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, đối với mình, vừa là nhà, vừa là cả thanh xuân. 

Đã ước mơ, sao không mơ lớn? ảnh 2

Chuyến du học này là một trải nghiệm tuyệt vời. Mình được tiếp cận với một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới, được hoà mình trong môi trường học tập đa quốc gia. Điều khó khăn nhất khi đi du học là vượt qua bản thân mình, vượt qua được nỗi sợ trước những kỳ vọng, phải tự lập hoàn toàn. Ở đây, sinh viên phải dành phần lớn thời gian để tự học, nghiên cứu tài liệu để đến lớp thảo luận các vấn đề liên quan với thầy cô và bạn học. Có những ngày mình vùi đầu trong thư viện để đọc sách, tra cứu thông tin để chuẩn bị cho các bài luận mỗi môn, mỗi bài yêu cầu tối thiểu 5000 từ, sau đó nộp bài qua một phần mềm kiểm tra bài luận chống đạo văn. Áp lực và căng thẳng là thế nhưng mình vẫn cảm thấy may mắn vì thầy cô đặc biệt thân thiện và quan tâm đến sinh viên của mình. Năm 2018, mình có cơ hội được trình bày tại hội thảo về Ngôn ngữ học tại trường Huddersfield. Bên cạnh đó, mình còn trở thành course rep – đại diện khoá học phụ trách hỗ trợ các bạn sinh viên năm nhất của khoa. Mình cũng dành thời gian tự lên kế hoạch đi du lịch đến những thành phố của Vương quốc Anh và châu Âu để có thể trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau.

Đã ước mơ, sao không mơ lớn? ảnh 3

Trở về nước năm 2019, hiện mình đang là Bí thư Liên chi đoàn Khoa Sư phạm Ngoại ngữ. Mình luôn mong muốn góp phần tạo nên một môi trường phát triển toàn diện, lành mạnh cho các bạn trẻ. Năm 2017, trong một buổi hội thảo về Phương pháp dạy học ngoại ngữ, một giáo sư ở Đại học Oxford đã đặt ra câu hỏi: “Trong thế kỉ 21, tại sao chúng ta lại cần giáo viên trong khi chúng ta có Google?” Quả thật, những chia sẻ này đã thức tỉnh mình rất nhiều về môi trường dạy, học và sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là ở Việt Nam. Tổ chức UNESCO cũng đã xác định 4 trụ cột giáo dục, bao gồm: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, và học để khẳng định mình”. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng ngoại ngữ ngày nay đang dần trở thành công cụ đắc lực trong nhu cầu giao tiếp và mục tiêu của mỗi cá nhân, chứ không chỉ đơn thuần là những con điểm trong các bài kiểm tra nữa. Thế giới đang thay đổi chóng mặt, và các bạn cần chuẩn bị hành trang cẩn thận để có thể bắt nhịp được những yêu cầu của xã hội. Theo mình, các bạn sinh viên cần tập trung định hướng bản thân sớm nhất có thể, và luôn chủ động nắm bắt cơ hội. Bên cạnh việc lĩnh hội kiến thức và kỹ năng thực hành, các bạn cũng cần nghiêm túc trau dồi các năng lực thế kỉ 21 như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy phản biện, năng lực tư duy sáng tạo. Và quan trọng nhất, các bạn phải nhận ra được giá trị của bản thân, tôn trọng và yêu quý bản thân mình. Hiện nay, Trường Đại học Vinh nói chung và Khoa Sư phạm Ngoại ngữ nói riêng đang xây dựng và phát triển những mô hình cộng đồng tiếng Anh thu hút hàng trăm sinh viên tham gia, những chương trình nghiên cứu khoa học để các bạn thoả sức đam mê nghiên cứu tìm tòi, mô hình Ngày hội việc làm cùng những diễn đàn định hướng học tập và nghề nghiệp dành cho các bạn sinh viên. Mình hi vọng các bạn sẽ luôn vững tin vào con đường mình đã chọn, sống hết mình và không ngừng hoàn thiện bản thân. 

Đã ước mơ, sao không mơ lớn? ảnh 4
Sinh ngày 19/11/1994
• Cựu sinh viên khoá 53, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh:
+ Năm 2013, đạt giải Nhì cuộc thi Writing Contest của Đại sứ quán Mỹ tổ chức;
+ 2 năm liền đạt giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa sư phạm Ngoại ngữ;
+ Đội trưởng đội tình nguyện quốc tế tại Lào năm 2015;
+ Là sinh viên duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm học 2014-2015;
• Tốt nghiệp năm 2016, được Trường Đại học Vinh giữ lại làm giảng viên tại Khoa Sư phạm Ngoại ngữ;
• Năm 2017, nhận học bổng và học thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ tiếng Anh và Ngôn ngữ học ứng dụng, tại trường đại học Huddersfield, Vương quốc Anh;
• Trở về nước năm 2019, hiện đang là Bí thư Liên chi đoàn khoa SPNN.