Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô

TPO - Trong khuôn khổ của Lễ hội truyền thống đình Hạ Yên Quyết (hay còn gọi là đình làng Cót), phố Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 2/3 (tức 11/2 Âm lịch), Lễ rước kiệu Thánh hồi đình diễn ra với những hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia.

Đình làng Cót xưa thuộc Bạch Liên Hoa hương, nay là đình Hạ Yên Quyết, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 1

Kiệu Thánh hồi đình làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Đình hiện đang thờ 5 vị thánh, gồm: Đức thánh Cao Sơn Đại vương, Diêm La Anh Đoán Đại vương, Hoàng Cung Chinh Thục phu nhân, Mộc Đức Tinh Quân Đại vương và Tràng Hám Anh Linh Đại tướng quân. Mỗi vị thánh đều gắn liền với một thần tích khác nhau về công lao dựng nước, giữ nước nói chung và làng Cót nói riêng, theo lời kể của các cụ cao niên trong làng.

Đặc biệt, những thần tích này đều được ghi lại trong ba cuốn sách: “Bạch Liên khảo ký”, “Hồ Sơ di tích đình, chùa, đền, miếu làng Cót”, “Thần tích - Thần sắc làng Hạ Yên Quyết”.

Hằng năm, cứ đến đầu tháng Hai âm lịch, cụ thể là từ ngày 10 đến ngày 12, hội đình làng Cót sẽ được nhân dân địa phương phối hợp tổ chức. Những năm làng tổ chức hội lớn như năm nay, dân làng đã tổ chức rước kiệu thánh từ ba Miếu về đình để mở hội từ ngày 11.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 2

Người dân tham gia trẩy hội từ sáng sớm.

Tâm điểm của lễ hội đình làng Cót là lễ rước kiệu các Thánh từ chùa Cót (Ngọc Quán tự, số 188 phố Yên Hòa, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), đi dọc đường Trung Kính để đến đình Hạ Yên Quyết (đình làng Cót) để làm lễ rồi quay trở lại chùa Cót.

Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự: Đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước tàn, lọng, đội kiệu, chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi trong làng và hàng trăm người dân địa phương.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 3

Đội ngũ khiêng kiệu được tuyển chọn cẩn thận từ những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh tại địa phương.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 4

Các cô, các bác trong bộ Việt phục dẫn đoàn.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 5

Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong quá trình rước kiệu như điệu múa cầu may của các cô, các dì trong đoàn.

Tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng khắp nơi, cờ xí rợp trời khiến không khí lễ hội tưng bừng khắp phố xá đoàn kiệu đi qua. Dọc hai bên đường trên lộ trình đoàn kiệu đi qua, người người nhà nhà đều sắp sửa, bày hương án, dâng hương hoa lễ vật nghênh kiệu cầu phúc.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 6

Người người nhà nhà đều sắp sửa, bày hương án, dâng hương hoa lễ vật nghênh kiệu cầu phúc.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 7

Lực lượng công an phụ trách điều khiển giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia lễ hội.

Đặc biệt phải kể đến tục "chui kiệu" cầu bình an của người dân tham gia lễ rước kiệu. Theo quan niệm dân gian, những người chui ngang qua gầm kiệu, đặc biệt là trẻ nhỏ biếng ăn chậm lớn hay người già yếu bệnh tật, sẽ cầu Thánh ban cho sức khỏe, bình an.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 8

Người dân háo hức, mong chờ, dẫn con trẻ ngồi đợi sẵn để "chui kiệu" cầu bình an, may mắn.

Đặc sắc tục chui kiệu cầu bình an ở lễ rước kiệu Thánh hồi đình giữa Thủ đô ảnh 9

Màn xoay kiệu trước khi đoàn kết thúc chuyến hành trình tại Đình Hạ Yên Quyết.

Lễ hội đình làng Cót quay trở lại sau hai năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến đông đảo người dân vui mừng, phấn khởi.

Ông Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội khi nghe tin hội đình được tổ chức đã vô cùng hạnh phúc, chuẩn bị sắm lễ để cầu an, xin lộc Thánh cho gia đình. "Lâu rồi tôi mới được cảm nhận lại không khí lễ hội mừng xuân đầu năm ở ngay nơi mình sống như vậy", ông Hùng nói.

Lễ hội đình Cót là một trong những nét đẹp truyền thống của phường Yên Hòa nói riêng và người dân địa phương nói chung. Cho đến nay, lễ hội vẫn giữ gìn và phát huy được những tập tục cổ, những mối quan hệ cộng đồng làng xã, tôn vinh và tưởng nhớ truyền thống dân tộc.

Tin liên quan