Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng nào

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bắt đầu từ hôm nay (6/11), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày liên tục, tiến hành chất vấn xoay quanh việc thực hiện lời hứa của các “tư lệnh ngành”. Phiên chất vấn trong kỳ họp cuối năm này có một số điểm nổi bật mới. Thay vì chỉ tập trung vào một số bộ trưởng như các kỳ trước, thì lần này, các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và sự am hiểu toàn diện về chuyên môn của các thành viên Chính phủ.

Báo Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước khi bước vào phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ này.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương):

Chỉ chất vấn những nội dung có trong nghị quyết

Tại phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tập trung chất vấn việc thực hiện lời hứa của thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về giám sát chuyên đề và chất vấn. Do vậy, những vấn đề không được đưa vào nghị quyết thì có thể không được chất vấn tại kỳ họp này, thay vào đó, ĐBQH có thể chất vấn vào một dịp khác.

Tại các nhiệm kỳ trước, Quốc hội cũng đã chất vấn giữa nhiệm kỳ rồi, nhưng có điểm khác là khi Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát ngay, giám sát thường xuyên chứ không phải chờ đến giữa nhiệm kỳ mới tổ chức thực hiện. Đây cũng là điểm mới, làm cơ sở tốt hơn cho các ĐBQH nhìn nhận, chất vấn các vấn đề giữa nhiệm kỳ.

Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng nào ảnh 1

Hôm nay, dự kiến đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động chất vấn vào một số lĩnh vực trong đó có Tài chính - Ngân hàng. Trong ảnh là Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường. Ảnh: Như Ý

Phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các ĐBQH chất vấn lại những vấn đề, những lời hứa của các “tư lệnh ngành”, cũng là dịp để nhìn nhận những vấn đề làm được, những vấn đề gì chưa làm được để tổ chức thực hiện, giải quyết tốt hơn. Phiên chất vấn này chắc chắn sẽ có áp lực cho các thành viên Chính phủ, vì sẽ phải nắm chắc, và trả lời cho tất cả các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ. Việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cũng là cách để đánh giá năng lực, khả năng điều hành của Chính phủ.

“Liên quan cách thức chất vấn giữa nhiệm kỳ, nếu để chất vấn rộng sẽ gây dàn trải, đôi khi bị loãng, các nội dung không tập trung. Do vậy, lần chất vấn này được chia theo các lĩnh vực kinh tế xã hội, kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, xã hội, tư pháp… Nghĩa là sẽ chia thành các lĩnh vực để tập trung sâu hơn và để đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đây là điểm rất mới tại phiên chất vấn tổng thể, có như vậy mới đi đến tận cùng vấn đề, đại biểu có điều kiện hỏi sâu, sát hơn. Còn cứ để ai thích hỏi gì thì hỏi, dù vẫn đúng quy định nhưng lại có thể dẫn đến trùng ý kiến, loãng chất vấn”.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Chúng ta đều biết, mục tiêu của hoạt động giám sát tối cao - trong đó có hoạt động chất vấn, là phải theo tới tận cùng các vấn đề. Chúng ta đã tiến hành giám sát thường xuyên, không phải đến bây giờ mới giám sát. Mục tiêu cuối cùng là để những vấn đề đặt ra được giải quyết, mang lại hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, gửi các ĐBQH những vấn đề chính, vấn đề lớn nổi lên mà các ĐBQH quan tâm. Đây là cách để đại biểu tập trung chất vấn vào những vấn đề mà Quốc hội đã đưa vào nghị quyết.

Tôi kỳ vọng sau phiên chất vấn, Nghị quyết của Quốc hội sẽ đánh giá rất rõ những gì đã làm được, những gì chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại. Qua đó, những vấn đề đã làm được thì không đưa vào nghị quyết nữa, còn những gì chưa làm được thì tiếp tục đưa vào nghị quyết mới để tiếp tục giám sát. Với cách tổ chức như vậy, cử tri và nhân dân cũng dễ theo dõi hơn việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Tôi cũng hy vọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát theo hướng như vậy.

TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH Đoàn Hà Nội:

Tháo gỡ được những “điểm nóng” sau chất vấn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ chất vấn theo nhóm các vấn đề, chứ không theo hướng người trả lời chính và người “chia lửa” như các kỳ trước. Qua đó, tất cả các thành viên Chính phủ đều có trách nhiệm tham gia trả lời những vấn đề liên quan. Chẳng hạn, phiên chất vấn đầu tiên thuộc nhóm các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Nếu ĐBQH quan tâm chất vấn đến lĩnh vực nào, thì thành viên Chính phủ liên quan sẽ có trách nhiệm trả lời.

Về nội dung chất vấn sẽ tập trung vào việc thực hiện những cam kết, lời hứa của các bộ trưởng trong những lần chất vấn, báo cáo trước đây của Quốc hội. Điều này thể hiện tinh thần theo đuổi đến cùng và sát cánh đến cùng với các cơ quan Chính phủ cũng như các bộ trưởng, giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất đặt ra, cũng như việc thực hiện cam kết, lời hứa trước Quốc hội, cử tri.

Theo dự kiến chương trình, từ ngày 6/11, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ. Trước khi chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra.

Trong ngày 6/11, từ 9h40 đến 11h30, Quốc hội sẽ mở đầu chất vấn với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ chuyển sang chất vấn các lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường. Phiên chất vấn tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này sẽ kéo dài trong 2,5 ngày.

Thành Nam

Với tinh thần chất vấn mang tính chất xây dựng, mục tiêu hướng tới là có thể tìm ra được những giải pháp để khắc phục được những vấn đề hiện nay, đặc biệt là những “điểm nóng” mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Tôi tin phiên chất vấn sẽ thể hiện được tinh thần hợp tác, xây dựng giữa các ĐBQH và các cơ quan Chính phủ, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của toàn dân, tập trung vào những vấn đề người dân, cử tri, và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Đòi hỏi bản lĩnh, am hiểu của các “tư lệnh ngành”

Tôi cho rằng, phiên chất vấn trong kỳ họp cuối năm này có một số điểm nổi bật mới. Thay vì chỉ tập trung vào một số bộ trưởng như các kỳ trước, thì lần này, các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và sự am hiểu toàn diện về chuyên môn của các thành viên Chính phủ.

Đương nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn đối với các bộ trưởng, vì họ không biết trước được nội dung cụ thể mà ĐBQH sẽ chất vấn, cũng không có chủ đề cố định như trước đây. Các câu hỏi có thể vượt ra ngoài những vấn đề mà bộ trưởng chưa từng nghĩ tới hoặc không đoán trước được. Cách chất vấn như vậy sẽ tạo ra thách thức lớn cho các thành viên Chính phủ, đòi hỏi họ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh, và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình phụ trách.

Tuy là một điểm mới, nhưng chắc chắn các nội dung chất vấn đều nằm trong phạm vi trách nhiệm của các tư lệnh ngành. Ví dụ, đại biểu có thể chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về lĩnh vực sách giáo khoa, giá sách, hay vấn đề học phí và quy định về thu học phí ngoài luồng. Do không có chủ đề cụ thể, nên việc chuẩn bị thật kỹ cho phiên chất vấn rất quan trọng với các thành viên Chính phủ. Họ nên cập nhật thông tin về các vấn đề và chính sách trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ về các thành tựu và thách thức đang đối mặt, đặc biệt là những nút thắt, điểm nóng đang cần đưa ra giải pháp khắc phục.

Đối với các vấn đề ĐBQH đã chất vấn và đã được giải quyết tốt thì không cần nêu lại, nhưng những vấn đề chưa được giải quyết, hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có ít vấn đề mới hơn, trong khi vấn đề cũ vẫn còn rất nhiều, chưa được giải quyết, ví dụ như vấn đề nhập khẩu vàng độc quyền, thị trường xăng, dầu, quỹ bình ổn giá xăng, dầu, hay vấn đề điện gió và điện mặt trời…

Nhìn chung, cách thức chất vấn kỳ này là một cách làm mới, nếu được thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tôi hy vọng rằng, các bộ trưởng sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, để qua đó đưa ra được các giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn sau chất vấn.

MỚI - NÓNG