Đãi tiệc tại gia

Đãi tiệc tại gia
TP - Chủ nhà đầu bù tóc rối xoa tay mời khách. Khách mải mê hàn huyên mãi mới chịu vào bàn. Vừa đụng đũa, mắt trước mắt sau vào bếp tỏ tình thân bằng việc phụ múc đồ ăn hay lau rửa món gì đó... Những bữa tiệc tại gia để chủ nhà bày tỏ lòng hiếu khách đáng được nâng tầm văn hóa và coi trọng hơn nhiều.

Tiệc tại gia khác với tiệc ở nhà hàng, cũng không giống bữa cơm thường ở nhà. Những bữa tiệc đúng cách thường trang trọng nhưng thân mật, bày biện nhưng không kiểu cách, khéo léo nhưng độc đáo, riêng tư.

Bà Bella ngoài 80, góa chồng, nhỏ thó, tóc tém bạch kim, nhanh nhẹn như một nam thanh niên. Sống ở Olympia thủ phủ bang Washington của Mỹ, bà tự lái xe đi chợ, đi bác sĩ, và du lịch quanh năm.

Mùa lễ năm mới 2001, năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, bà Bella muốn đãi thông gia người Việt bữa tiệc trưa ngày Noel. Vì ngại nhà mình nhỏ, ngăn nắp nhưng buồn tẻ, “đầy mùi chó mèo và mùi già” như bà nói - không hợp với một gia đình sôi nổi ồn ào, bà bảo mọi người cứ đợi ở nhà ông Jean con trai bà, bà sẽ mang đồ ăn tới. Ai cũng ái ngại vì bà già phải vất vả nấu nướng nhưng ông Jean bảo cứ yên tâm.

Rồi bà tới, mở cốp xe khệ nệ bê bịch lớn bịch nhỏ. Nhanh chóng trải khăn bàn ăn, xếp bát đĩa, thìa nĩa, khăn ăn ngay ngắn thành từng “set” trên bàn. Mùi thơm toả ra từ bếp lò. Hóa ra trước đó bà đã kịp bỏ vào lò con gà tây, và một “meatloaf” (súc thịt bò nghiền cuộn giấy thiếc) tẩm ướp công phu từ mấy hôm trước. Bà Bella bảo ướp thịt và nướng thịt là cả một nghệ thuật. Mấy chai champagne, rượu vang trắng đỏ đủ loại được bỏ vào tủ lạnh từ lúc nào. Máy pha cà phê cũng đang hoạt động.

Bàn tiệc thịnh soạn bày ra: Pho mát đẹp đẽ bên cần tây, cà chua tí hon, thịt nguội, bánh bích qui và trứng cá đen, salad trộn dầu dấm và trứng gà luộc cắt nửa, lòng đỏ ngào với sốt béo ngậy, súp rau và củ dền bắt mắt ngon ngọt. Gà tây và bò nướng thì khỏi chê, mềm vừa và không khô. Bốn ngọn nến màu tím của mùa Vọng được thắp sáng làm không khí bàn tiệc trở nên ấm áp. Bà Bella nhanh nhẹn rửa tay, chỉnh đốn trang phục, bước ra tươi rói mời mọi người vào bàn. Rượu rót tràn ly.

Trong khi khách nhấm nháp món tráng miệng - dâu tây ướp đường, kem sữa tươi do bà Bella tự làm và những chiếc cupcake (bánh kem bơ trứng nướng cỡ bằng ly trà) xinh xắn ngọt lịm theo khẩu vị dân Mỹ với trà và café, bà Bella ân cần hỏi mọi người ăn có ngon miệng không. Khách cám ơn và đáp lễ bằng cách mời bà tới dự bữa ăn Việt đón năm mới.

Từ sáng sớm 31-12 cả nhà đã náo loạn. Người lớn sai phái người nhỏ đi chợ, riêng đi chợ đã ba bốn lần vì hết quên cái này lại cái kia. Bọn trẻ con ngồi giãi thẻ nhặt rễ giá. Người xay thịt trộn nhân nem, người cuốn, người canh nồi măng chân giò.

Nồi thịt kho xém cạn nước vì không ai trông coi. Thực đơn phong phú nhưng mùi vị hơi hổ lốn. Ai cũng nghĩ đơn giản là cứ món cỗ nào dễ nấu thì nấu, không cần chọn lựa nhiều. Nồi bún thang cũng suýt phá sản khi người chủ trì tráng mãi không được trứng mỏng như ý.

Mãi sáu giờ chiều bếp mới nhóm để rán nem. Khi khách tới thì không có ai tiếp đãi vì ai cũng mải làm một việc gì đó. Một cô bạn của chị Hạnh vợ ông Jean xắn tay phụ rán nem. Ông Jean thấy thế tỏ vẻ không vừa lòng với vợ. Cái không khí lộn xộn ấy vui thì vui thật nhưng quả là mệt nhọc cho cả chủ lẫn khách.

Kể câu chuyện này không phải để so sánh dân ta với dân Tây. Văn hóa đãi tiệc là của chung nhân loại, đâu cũng có người hay dở. Nước mình có nhiều tục ngữ rất hay về văn hóa ẩm thực, tuy nhiên việc áp dụng càng ngày càng cẩu thả.

Đã thế những câu như “Lời chào cao hơn mâm cỗ” lại được hiểu theo hướng “chuyện ăn uống rất nhỏ so với nghi thức và lễ nghĩa”. Nhưng rồi nghi thức cũng bị coi nhẹ. Vì thế nhiều bữa cơm khách trở nên tẻ nhạt, đơn điệu.

Đãi tiệc tại gia ảnh 1

Đãi tiệc là một nghệ thuật đòi hỏi tinh tế, tỉ mỉ. Trước khi có kỹ năng cần có một thái độ coi trọng đúng mức. Phải khéo léo từ việc chọn lựa khách mời phù hợp và vừa sức chủ tiệc. Rồi mời khách thế nào cho trân trọng và thân mật. Chọn thời gian mở tiệc hợp với khách lẫn chủ. Chủ thì phải có đủ thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch đàng hoàng, kể cả bài trí bàn tiệc hay trang phục đón khách.

Cuối cùng và quan trọng nhất là đãi món gì. Nhiều người có tài nấu nướng nhưng không khéo chọn món. Có thể là món tủ, có thể là món nhiều người yêu cầu. Chọn sao cho ai cũng ngon miệng, đủ dùng, không thừa mứa. Khéo tạo cảm giác thòm thèm một chút cũng được, như để hẹn thêm lần tới.

Khách cũng phải đáng mặt khách. Nhận lời rồi thì liệu sắp xếp giờ tới dự, không sớm quá (khi chủ nhà còn bận bịu nấu nướng), và tất nhiên không trễ quá. Có một lời khuyên khá có lý đó là nên tới dự tiệc trễ 15 phút, vừa đủ để chủ hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng mà cũng không phải chờ đợi quá lâu.

Bữa tiệc cũng chỉ vui nếu chủ và khách đều thực sự thưởng thức nó. Khách đến dự thì đừng chạy sô. Làm khách thì nên tránh phụ giúp nếu chủ không nhờ. Làm chủ thì khi khách tới cố gắng không lúi húi nấu nướng dọn dẹp.

Hẳn có người cho rằng sao phải cầu kỳ kiểu cách thế, ai cũng bận rộn và không phải ai cũng có điều kiện làm bữa cơm khách ra hồn. Tôi không nghĩ vậy. Một khi đã là văn hóa, thì đãi tiệc tại gia là việc có thể làm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tôi từng dự bữa tối thân mật của một nhà báo nổi tiếng người Ireland, làm cho tờ Times ở Los Angeles. Anh mời trước hai tuần, một tuần trước tiệc phải đi Iraq gấp- chiến tranh vừa nổ ra. Kịp về đêm trước ngày hẹn, sáng đến sở làm, chiều về sớm nấu nướng.

Bảy giờ tối khách mời (hầu hết người gốc Á) đã được cô bạn gái người Texas của anh diện xường xám đứng tiếp đón, giúp khách cất áo khoác và túi, hỏi khách dùng đồ uống gì. Chỉ có một món khai vị, một món chính và một món tráng miệng, song anh tự tay nấu và chuyền ra với dáng rất điệu nghệ của một tay waiter (bồi bàn) lão luyện.

Tôi vẫn nhớ mùi thơm của thức ăn, tiếng dương cầm thánh thót, và không khí chủ khách êm ái trong căn hộ nhỏ ấm cúng lịch lãm của anh ở Santa Monica hôm ấy. Dường như những lo âu trong đời sống, sự ngột ngạt của cuộc chiến đã nhường bước cho tình thân giữa người và người.

Ăn mặc chơi từ món dân dã tới cao cấp, nông thôn tới thành thị, trong ngoài nước- biểu hiện một động thái văn hóa, cá tính, nhu cầu. Mục ĂN-MẶC-CHƠI ra thứ bảy, mong bạn đọc hưởng ứng qua địa chỉ: banvannghetp@gmail.com.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG