Đại tướng Phan Văn Giang: Ứng phó những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ứng phó những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đại tướng Phan Văn Giang: Ứng phó những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng ảnh 1

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh Như Ý

Chiều 26/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Trình bày tờ trình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh…

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Cụ thể: Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng, nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế...

Ngoài ra, một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực để ứng phó. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ các lý do nêu trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết.

Thẩm tra, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nhất trí về sự cần thiết ban hành, đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thông tin, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 "Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là "Xây dựng Luật phòng thủ dân sự". Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật phòng thủ dân sự.

UBQPAN cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự gồm 4 cấp độ là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, Luật Phòng, chống thiên tai quy định 5 cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai và được gắn với một màu đặc trưng; Luật Bảo vệ môi trường phân chia thảm họa, sự cố theo cấp hành chính (sự cố cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia)…

Trên cơ sở phân loại cấp độ này để điều chỉnh thống nhất hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại, để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp, khi cần thiết sẽ vận hành, kích hoạt được ngay các biện pháp phòng thủ dân sự.

MỚI - NÓNG