Đảm bảo an toàn lao động- Trách nhiệm pháp lý của cả doanh nghiệp và người lao động

0:00 / 0:00
0:00
Tai nạn lao động được định nghĩa là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Để phòng ngừa tai nạn lao động, pháp luật đã có những quy định rõ ràng và cụ thể của trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, không ít tai nạn lao động vẫn xảy ra và dẫn đến nhiều tranh chấp. Nguyên nhân của những sự việc đau lòng đó có thể đến từ phía doanh nghiệp hoặc người lao động, hay là do lỗi hỗn hợp của cả hai bên. Vậy, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý điều gì để hạn chế tối đa các tai nạn lao động; đồng thời, hai bên sẽ cần hành xử như thế nào khi sự việc này xảy ra? Những phân tích, chia sẻ của Luật sư Phùng Quang Cường - Luật sư thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Đảm bảo an toàn lao động- Trách nhiệm pháp lý của cả doanh nghiệp và người lao động ảnh 1

PV: Trước tiên, xin cảm ơn Luật sư Phùng Quang Cường đã nhận lời mời phỏng vấn. Thưa ông, để không xảy ra tai nạn lao động, việc phòng ngừa là rất quan trọng. Vậy liệu pháp luật có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phòng ngừa tai nạn lao động không, thưa ông?

Luật sư Phùng Quang Cường:

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phòng ngừa tai nạn lao động được quy định tại Luật Vệ sinh, an toàn lao động hiện hành, năm 2015 và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật. Theo đó, tại khoản 2, Điều 7 của Luật này có quy định, người sử dụng lao động cần xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc cho người lao động. Doanh nghiệp phải mua bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng cần phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn nội quy, quy trình và biện pháp an toàn lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cần chăm sóc sức khoẻ, khám chữa và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Để tăng cường phương án thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, doanh nghiệp cần phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.

Đảm bảo an toàn lao động- Trách nhiệm pháp lý của cả doanh nghiệp và người lao động ảnh 2

PV: Thưa ông, vậy khi tai nạn lao động xảy ra, doanh nghiệp cần phải có những trách nhiệm như thế nào ạ? Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động có khác biệt trong trường hợp lỗi thuộc về chủ quan người lao động hoặc là lỗi hỗn hợp của cả hai bên không, thưa ông?

Luật sư Phùng Quang Cường:

Khi xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì doanh nghiệp có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh hoặc trung ương biết để xử lý.

Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động. Trong quá trình điều tra, nếu có sự tham gia của cơ quan nhà nước chuyên trách, doanh nghiệp phải hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn.

Sau khi có kết quả điều tra nguyên nhân tai nạn, doanh nghiệp cần công bố thông tin để toàn thể người lao động và các cơ quan liên quan biết. Kết quả điều tra cần phải được thể hiện qua biên bản điều tra tai nạn lao động. Việc công bố kết quả điều tra cũng được lập biên bản và tổ chức cuộc họp công bố. Ngoài ra, doanh nghiệp cần niêm yết công khai, đầy đủ thông tin để người lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động biết.

Trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp khi để xảy ra tai nạn lao động, mà nguyên nhân tai nạn không hoàn toàn do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp bồi thường cho người lao động ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu người lao động bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

Trong trường hợp, tai nạn lao động xảy ra do lỗi chính của người lao động gây ra thì doanh nghiệp trợ cấp cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 40% giá trị bồi thường như mức đã nêu ở trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. Doanh nghiệp giới thiệu để người lao động bị tai nạn được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động.

PV: Thưa ông, vậy ông có lời khuyên gì đối với cả doanh nghiệp và người lao động trong việc phòng ngừa tai nạn lao động và khi tai nạn lao động xảy ra, thưa ông?

Luật sư Phùng Quang Cường:

Doanh nghiệp và người lao động nên tham khảo và áp dụng Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành (2015), đặc biệt là phải chủ động xây dựng quy định, quy trình, nội quy hướng dẫn, cảnh báo về tai nạn lao động tại địa điểm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để người lao động hoàn toàn biết và phòng tránh các rủi ro về tai nạn lao động như đã được khuyến cáo trong các tài liệu do doanh nghiệp xây dựng.

Trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cần tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG