Danh hiệu và danh dự

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liệu ai đó lâu nay đã một lúc mang các danh hiệu/danh vị Giáo sư-Tiến sĩ-Viện sĩ-Kiến trúc sư-Nhà giáo nhân dân, nay sẽ được khoác thêm danh hiệu mới “Nghệ sĩ nhân dân”?

Có thể lắm chứ, nếu sắp tới đây ý kiến đóng góp của nhiều vị đại biểu Quốc hội vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được thông qua, theo đó hàng loạt thành phần mới như họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ nhà văn, nhiếp ảnh gia, quay phim, phát thanh viên… được mở rộng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”.

Những “nhà thơ nhân dân”, “phát thanh viên nhân dân” với các đồng nghiệp không “nhân dân” sẽ khác nhau những gì? Trong khi mọi nguyên lý/đạo lý sáng tạo và cống hiến của bất cứ ngành nghề gì, cũng đều phải hướng về nhân dân, phải thuộc về nhân dân. Xét trên thành quả sáng tạo ư? Bây giờ nếu hỏi nhân dân rằng nhiều vị có tiền tố “ưu tú”, “nhân dân” đặt trước tên tuổi mình là trong đời họ đã có tác phẩm hay công trình gì, chắc hầu hết nhân dân cũng sẽ bối rối.

Lịch sử của Việt Nam lẫn nhân loại ngàn năm qua, những bậc vĩ nhân nào có ai khoác trên mình học hàm, học vị, danh hiệu này kia. Họ được tôn thờ và tưởng nhớ nhờ những tư tưởng vĩ đại, những trước tác bất hủ, những chiến công oanh liệt, vạch đường soi sáng cho dân tộc. Trong khi hình thức “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” thực tế cũng chỉ sử dụng ở vài ba quốc gia, giữa thời đại mà mọi đánh giá về thành tựu, hiệu ứng/hiệu quả nghệ thuật đang có quá nhiều thay đổi mang tính hiện đại.

Ra thế giới, người ta chỉ cần biết anh viết gì, vẽ gì, hiệu ứng phổ quát ra sao, độ tương tác thế nào với đông đảo người tiếp nhận, chứ ai cần biết danh hiệu anh là gì? Nhưng trong nhà mình, năm nào cũng thấy eo sèo cãi cọ về xét danh hiệu với xin “đặc cách” giải thưởng. Để rồi với không ít người, danh hiệu chỉ có tác dụng làm dài thêm trong diễn văn giới thiệu và trên bia mộ.

David Bowie (1947-2016), người Anh, một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, người được đặt tên cho một tiểu hành tinh gần sao Hỏa, lúc sinh thời đã từ chối nhận tước hiệu Hiệp sĩ của Nữ hoàng Anh. “Tôi thực sự không biết nó để làm gì. Đó không phải là thứ mà tôi đã dành cả đời để làm việc”. Một người Anh vĩ đại khác là Stephen Hawking cũng đã nói không với tước hiệu danh giá của Hoàng gia.

David Bowie hay Stephen Hawking từ chối phong tước Hiệp sĩ, thì nhân loại vẫn mãi ghi ơn công trình sáng tạo, khoa học của những con người ấy. Có hay không có một chữ “Sir” trước họ tên thì họ vẫn là những hiệp sĩ cao quý và đích thực.

Danh dự của người sáng tạo chính là những tác phẩm, công trình thực sự góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bồi đắp nhân văn, mang lại lợi ích lớn lao cho nhân dân. Bao giờ những nghệ sĩ, người lao động sáng tạo của chúng ta mới giảm bớt sự ham muốn cồng kềnh mang vác những danh hiệu, cả trong tư tưởng lẫn ngoài đời, để hiểu rằng “thừa” danh hiệu nhiều khi sẽ dễ dẫn tới thiếu danh dự?

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.