Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng

TPO - Không vợ, không con, không tài sản, nhớ thương Hà Nội mà không thể về chỉ vì thiếu tiền... Ít người hình dung được đây lại là cuộc sống về già của cố danh họa Nguyễn Sáng, tác giả hiếm hoi có đến hai tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia.

Nhiều năm qua, câu chuyện về cuộc đời và sáng tác của “tứ trụ” hàng đầu của Mỹ thuật Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái vẫn là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng yêu hội họa. Trong số họ, Nguyễn Sáng được xếp đầu tiên: “Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái”.

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 1

Họa sĩ Nguyễn Sáng.

Một số nhà nghiên cứu đánh giá Nguyễn Sáng là hiện tượng Văn Cao trong âm nhạc, song toàn cả hai phương diện hùng ca và tình ca. Có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa cuộc đời Văn Cao và Nguyễn Sáng: Cả hai nghệ sĩ cùng sinh năm 1923, cùng có một số phận thăng trầm đan xen giữa vinh quang và cay đắng.

Trong số “tứ trụ” đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương, ngoài Nguyễn Tư Nghiêm quê Nghệ An nhưng lại làm rể Hà Nội, thì Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái đều là dân Hà Nội gốc, chỉ có mình Nguyễn Sáng đến từ Tiền Giang xa xôi, nhưng lại vẫn gắn bó với Hà Nội với một tình yêu gần như là máu thịt. Câu nói nổi tiếng của ông: Không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng đến giờ người ta vẫn nhắc.

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 2

Từ trái qua: Họa sĩ Đặng Thị Khuê, họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong một buổi tọa đàm về “cụ Sáng”.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê gọi Nguyễn Sáng là “người khổng lồ của thế hệ chúng tôi”.

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông, có hai bức tranh sơn mài được công nhận bảo vật quốc gia. Bức thứ nhất, hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có tên “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013. Năm nay là tròn 60 năm tác phẩm được sáng tác và tròn 10 năm tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết 9 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Nguyễn Sáng mới vẽ bức tranh này. Lúc đó có một số người trách ông là sao không vẽ, một dấu mốc lớn như thế nhẽ nào bỏ qua?

Khi bức tranh hoàn thành, Nguyễn Sáng nói với Lương Xuân Đoàn: “Đây là câu trả lời đẹp đẽ nhất của tôi về hình tượng người chiến sĩ, về anh bộ đội Cụ Hồ, về Điện Biên Phủ”.

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 3

Bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.

Ông Lương Xuân Đoàn đánh giá cho đến nay, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vẫn là đỉnh cao chưa ai có thể vượt qua của nghệ thuật hiện thực XHCN.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng từng nhận xét: “Trên đất nước ta, đã có hàng triệu buổi kết nạp Đảng, nhưng nhìn ra vẻ đẹp của nghi lễ trang trọng này, trong hội họa chỉ có một Nguyễn Sáng với buổi Kết nạp ở Điện Biên Phủ mà thôi”.

“Bảo vật” thứ hai của Nguyễn Sáng có tên Thanh niên thành đồng được ông bắt đầu sáng tác từ năm 1967 tại Hà Nội. Tác phẩm đã được tác giả chuyển nhượng cho Bảo tàng Cách mạng tại TP. Hồ Chí Minh năm 1980 với giá 2.000 đồng.

Sau đó, bức tranh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam mượn đi triển lãm tại Cộng hòa Dân chủ Đức và trưng bày tại triển lãm cá nhân Nguyễn Sáng năm 1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hiện, Thanh niên thành đồng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 4

Bức Thanh niên thành đồng.

Đối ngược với tài năng nở rộ, cuộc đời riêng của Nguyễn Sáng khá long đong.

Sinh thời, Nguyễn Sáng từng có nhiều người yêu nhưng không ai gắn bó với ông lâu dài. Cuộc hôn nhân duy nhất của ông với một người mẫu vẽ kém ông 32 tuổi. Đám cưới của hai người được coi là có một không hai khi rước dâu trong bệnh viện.

Sau 11 tháng chung sống, vợ qua đời vì bệnh tim, để lại ông "trần trụi cô đơn".

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 5

Bức Thiếu nữ bên hoa sen của Nguyễn Sáng.

Theo lời kể của ông Nguyễn Bá Đạm, sau khi vợ mất, Nguyễn Sáng tiếp tục sống cô đơn có khi chỉ ăn một chiếc bánh giò hay chiếc bánh mì thay cơm hoặc ra cửa hàng cơm bụi ở ngõ Ngô Sĩ Liên sau ga Hàng Cỏ. Lúc buồn, ông đến quán rượu ở phố Trần Hưng Đạo, khi thì gặp Hoàng Trung Thông hay Mai Văn Hiến truyện trò tầm phào rồi lại lững thững ra về.

Là một trong những người ít ỏi còn sống từng có thời gian dài được tiếp xúc gần với Nguyễn Sáng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn kể năm 1988, sức khỏe Nguyễn Sáng đã yếu, ông quyết định quay vào Nam nương tựa người em. Nào ngờ, vào đến nơi thì người em lại mất đột ngột, tứ cố vô thân, ông chỉ biết ngồi nhớ về Hà Nội, mỗi buổi chiều, cứ ngồi quay về hướng Bắc và khóc.

Danh họa Việt hiếm hoi có hai bảo vật quốc gia nhưng về già chỉ có hai bàn tay trắng ảnh 6

Chân dung Nguyễn Sáng. Tranh: Nguyễn Đình Đăng.

Trong lần gặp cuối với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Sáng tâm sự: “Mày có thương tao không, thương nhiều không, mày thương tao nhưng mày làm được gì, mày nhỏ bé quá, ôi Đoàn ơi, nghèo quá, làm sao mà lại về được bây giờ”.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, Nguyễn Sáng mất ở TPHCM, trong nghèo khó và cô đơn.

Nguyễn Sáng (1923-1988) quê ở làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang. Ông học trường Mỹ thuật Gia Định 1936-938, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941-1945. Ông có nhiều năm sống và làm việc tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.

Tin liên quan