Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn'

TPO - Tháng phim tri ân đạo diễn Đặng Nhật Minh "Bây giờ đã đến tháng Mười" chính thức khép lại vào tối 29/10 với buổi chiếu phim "Hoa Nhài" tại rạp DCine Bến Thành cùng sự hiện diện của vị đạo diễn nổi tiếng, giao lưu và trò chuyện với khán giả về bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của mình.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 1

Toàn cảnh buổi chiếu phim Hoa nhài.

Bộ phim cuối của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Cùng với 8 bộ phim kinh điển được chiếu lại xuyên suốt tháng mười vừa qua trong khuôn khổ Tháng phim Đặng Nhật Minh "Bây giờ đã đến tháng Mười", bộ phim thứ 9 mang tên Hoa Nhài khép lại tháng phim và cũng là bộ phim cuối cùng của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Trong buổi chiếu bế mạc, NSND Đặng Nhật Minh xuất hiện trong sự chào đón của khán giả tại TPHCM. Đạo diễn chia sẻ đây là tác phẩm cuối cùng, chứa đựng tất cả tình yêu của ông dành cho Hà Nội.

Được sản xuất và công chiếu tại Hà Nội vào năm 2022, Hoa Nhài đưa người xem trở lại Hà Nội của những năm 2010 với những mảnh đời khác nhau, kết thành bức tranh đa sắc về cuộc sống của người Hà Nội bình dị. Đó là cậu bé đánh giày phải gánh vác việc kiếm tiền từ rất sớm, là người phụ nữ nông thôn lên thành phố làm nghề giúp việc kiếm thêm, là đôi vợ chồng già làm những công việc mưu sinh giản dị như bán trà đá lề đường...

Từ ngàn đời xưa đến nay, Hà Nội đã là nơi giao thoa văn hóa, là nơi hội ngộ của những người tứ xứ từ khắp mọi miền đổ về làm ăn, buôn bán, mưu sinh. Bản thân đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra ở Huế, từ năm 12 tuổi ông đã chuyển ra Hà Nội. Sau 60 năm sống ở thủ đô, ông muốn làm một bộ phim để trả ân, trả nghĩa nơi đã nuôi dưỡng mình trưởng thành.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ Hoa Nhài là tác phẩm cuối cùng, chứa đựng tất cả tình yêu ông dành cho Hà Nội.

Câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” chính là nguồn cảm hứng để đạo diễn Đặng Nhật Minh tạo nên một Hoa Nhài trong trạng thái điềm tĩnh, chậm rãi của một nghệ sĩ lớn tuổi.

Dẫu những dấu ấn của Hà Nội xưa đang dần phai nhạt trong thời buổi hiện đại hóa nhưng tinh hoa của nó sẽ không mất đi, sẽ còn được lưu giữ lại. Đâu đó trong hương hoa nhài phảng phất dọc những con phố đầy ắp kỷ niệm, hay trong nếp sinh hoạt, nếp ăn, nếp nói của những con người đang sinh sống tại đây.

Tôn vinh tính nhân văn trong nghệ thuật

Sau khi phim kết thúc, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã ở lại trò chuyện với khán giả TP.HCM. Ông có những chia sẻ thú vị xoay quanh quá trình làm phim Hoa Nhài và về quan điểm nghệ thuật của mình.

Từ khi bước chân vào điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh xác định rõ việc làm phim đối với ông không phải là phương tiện để làm giàu mà là để ông được tâm sự, chia sẻ với người xem những điều băn khoăn trong cuộc sống.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 3
Đạo diễn Vinh Sơn (đạo diễn phim truyền hình Đất Phương Nam) và NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo (thủ vai Nam trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười) đến chung vui cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 4

Nhà làm phim người Ý Martino Cipriani - một người yêu mến phim Đặng Nhật Minh đã nhận lời chỉnh màu cho bộ phim Hoa Nhài mà không lấy thù lao.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 5

Đạo diễn - diễn viên Ngô Quang Hải (vai Lâm trong phim Hà Nội mùa Đông năm 46) tái ngộ cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 6

NSƯT Hà Xuyên (vai Liên trong phim Cô gái trên sông và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ.

Sau suất chiếu Hoa Nhài, ấn tượng để lại cho người xem không chỉ là câu chuyện và hình ảnh hoài niệm về Hà Nội xưa mà đó còn là tính nhân văn đầy ắp trong từng khung hình, đoạn thoại.

Trong buổi giao lưu, có ý kiến cho rằng tính nhân văn trong phim của Đặng Nhật Minh là tính nhân văn của người Việt Nam, đại diện cho tinh thần "tương thân tương ái" của người Việt. Nền điện ảnh hiện nay vẫn chưa có thêm một ai có thể tái hiện được tinh thần này.

Bàn về nhận định trên, đạo diễn Đặng Nhật Minh đồng thời cũng gửi gắm một số lời khuyên cho những người làm nghệ thuật:

"Những cuốn tiểu thuyết bạn đã đọc, các bộ phim bạn đã xem, nếu bạn cảm thấy hay thì đó đều là những tác phẩm đầy ắp tính nhân văn. Quan điểm của tôi rất đơn giản: Không có tính nhân văn thì không có nghệ thuật, không có nghệ thuật nào mà phi nhân văn cả.

Nhiều bạn trẻ hỏi tôi phim ảnh giờ đây có rất nhiều lựa chọn, vậy làm sao để nhận biết phim nào là phim nghệ thuật? Tôi chỉ trả lời rất đơn giản: Phim nào làm các bạn thấy cảm động thì đó là nghệ thuật. Chỉ có nghệ thuật mới có thể làm ta cảm động".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 7

Thế hệ khán giả trẻ dành rất nhiều tình cảm cho đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 8

Nhóm khán giả không bỏ sót một bộ phim nào trong tháng phim và luôn lịch sự diện áo dài đến các buổi chiếu phim.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 'Nghệ thuật phải có tính nhân văn' ảnh 9

Hai bạn trẻ viết thư gửi đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi xem toàn bộ các phim trong tháng phim Bây giờ đã đến tháng Mười.

Tháng phim Đặng Nhật Minh với tên gọi "Bây giờ đã đến tháng mười" là dịp hiếm hoi khán giả TPHCM được giao lưu trực tiếp với người đã tạo ra những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Trong buổi giao lưu, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không quên hẹn gặp lại khán giả TPHCM vào những tháng Mười tiếp theo.

Tin liên quan