'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn

TPO - Dù được đầu tư lớn, “Đất rừng phương Nam” bản điện ảnh vẫn còn nhiều điểm hạn chế trong kịch bản. Phim có hình ảnh đẹp nhưng thiếu sự chân thật nên chưa để lại nhiều cảm xúc.

Ngay từ khi được lên kế hoạch sản xuất, Đất rừng phương Nam là phim Việt thu hút sự quan tâm của khán giả. Phần vì dự án được đầu tư tiền tỷ, do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng gồm Trấn Thành, Mai Tài Phến, Tuấn Trần, Hồng Ánh…

Hơn nữa, kịch bản phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Năm 1997, nguyên tác từng được chuyển thể thành phim truyền hình rất thành công nên bản điện ảnh càng khiến nhiều người tò mò.

Đáng tiếc, phim gặp làn sóng phản đối dữ dội từ phía khán giả khi ra rạp vì có tình tiết gây tranh cãi. Cụ thể, sự xuất hiện của 2 bang nhóm Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn được cho là "làm sai lệch lịch sử". Trong phim, họ được xây dựng như nghĩa quân yêu nước nhưng lại gợi liên tưởng đến thời nhà Thanh (Trung Quốc).

Hình ảnh đẹp nhưng thiếu hồn

Chuyện phim gần như giữ nguyên cái sườn của nguyên tác, đặt bối cảnh giữa thời loạn lạc khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Nhân vật chính là cậu bé An (Huỳnh Hạo Khang) phải lên đường tìm cha ruột sau khi mất mẹ (Hồng Ánh).

'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 1

Diễn viên nhí Huỳnh Hạo Khang vào vai chính bé An.

Tuy nhiên, quá trình tìm cha của An được xây dựng có phần đơn giản. Kịch bản không đi theo theo thể loại phiêu lưu như bản truyền hình mà thiên về hành động.

Phần lớn thời lượng tập trung vào cảnh lính Pháp bị lực lượng Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn tấn công. Đôi lúc, phim chuyển sang màu sắc võ hiệp, gợi nhớ tác phẩm Mỹ nhân kế (2013) cũng do Nguyễn Quang Dũng thực hiện.

Một số tình huống gây cười cũng được cài cắm xuyên suốt. Điển hình là sự xuất hiện của nhân vật bác Ba Phi (Trấn Thành) hay Út Lục Lâm (Tuấn Trần). Từ đó, ê-kíp tạo ra một tác phẩm đậm tính giải trí, mang đến cho người xem những giây phút thư giãn.

Với kinh phí ở mức cao, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được đầu tư mạnh về phần hình ảnh. Từng khung hình được chăm chút từ ánh sáng, màu sắc đến bối cảnh. Nhà làm phim cũng dụng công, liên tục thay đổi ống kính, tìm ra những góc máy mới lạ để phần nhìn thêm thu hút.

Tuy nhiên, tác phẩm mắc lỗi chung của nhiều phim Việt đó là đẹp nhưng vô hồn. Nhiều cảnh quay lạm dụng kỹ xảo vi tính khiến khung cảnh Việt Nam không thật. Ở cuối phim, hình ảnh cò bay loạn xạ trông không đẹp mắt mà còn khiến khung hình rối rắm.

'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 2'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 3

Phim có phần hình ảnh được đầu tư nhưng thiếu sự chân thật.

Điều đó khiến khung cảnh trong phim không giống miền Nam ở thế kỷ trước. Đôi lúc, người xem như đang bước vào thế giới huyền ảo trong những bộ phim giả tưởng của Disney.

Đạo diễn cũng chưa khắc họa được cuộc sống bình dị, chân phương của người dân quê ở miền đất phương Nam. Cái đói, cái khổ bị thay thế hoàn toàn bằng cái đẹp và những màn đánh đấm, thi triển võ nghệ.

Tình tiết tiếu lâm phá vỡ bộ phim tiền tỷ

Đảm nhận phần kịch bản là Trần Khánh Hoàng – biên kịch từng thực hiện một số dự án ăn khách như Em chưa 18 (2017), Thất sơn tâm linh (2019), Vu quy đại náo (2019)… Tuy nhiên, tác giả chủ yếu đảm nhận vai trò đồng biên kịch trong các dự án trước. Do đó, anh để lộ hạn chế khi lần đầu tự chuyển thể một tác phẩm kinh điển.

Kịch bản phim đơn giản, đi theo lối kể tuyến tính thông thường. Nhưng do thời lượng ngắn, một số nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua chứ không được khai thác sâu. Chẳng hạn, bé Cò (Đỗ Kỳ Phong) được xây dựng khá hời hợt, hay nhân vật Võ Tòng (Mai Tài Phến) gần như mờ nhạt, thậm chí không có một câu thoại.

'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 4'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 5
Một số nhân vật ít đất diễn, chỉ xuất hiện thoáng qua.

Biên kịch chưa xử lý tốt các phân đoạn cao trào, thể hiện rõ nhất ở cảnh Võ Tòng xuất hiện. Mạch phim đang nghiêm túc bị phá hỏng bởi tình tiết tiếu lâm.

Tác phẩm cũng rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Mở màn ấn tượng và giàu kịch tính nhưng kết phim hời hợt, gấp gáp. Phim có twist nhưng cách giải quyết vấn đề còn khiên cưỡng. Có nhân vật đang bí hiểm, thâm sâu bỗng trở nên ngớ ngẩn, thiếu suy nghĩ.

Ở cuối phim, ê-kíp để dòng phụ đề mang tính gợi mở, ám chỉ rằng số phận của các nhân vật vẫn chưa kết thúc. Rất có thể nếu phim thành công, câu chuyện sẽ được khai thác tiếp trong phần 2. Song, kịch bản chưa đủ sâu sắc để khiến khán giả tò mò về tương lai của An, Võ Tòng hay Út Lục Lâm.

Dù phần kịch bản còn lỗi, diễn xuất của dàn diễn viên giúp câu chuyện giữ được sự lôi cuốn nhất định. Đặc biệt, nam chính Huỳnh Hạo Khang vào vai An tự nhiên, không chịu áp lực trước phiên bản cũ. Diễn viên nhí tạo ấn tượng tốt với gương mặt sáng, đôi mắt to tròn, thể hiện được tâm trạng của một cậu bé mất mẹ, thiếu tình thương của cha.

Có diễn viên phụ như Hồng Ánh, Băng Di tạo được cảm xúc dù xuất hiện không nhiều. Các gương mặt nổi tiếng như Trấn Thành, Tiến Luật, Tuấn Trần, Hứa Vĩ Văn lại chỉ ở mức tròn vai, chưa ấn tượng.

Khi ra mắt, Đất rừng phương Nam nhận được ý kiến trái ngược từ phía khán giả. Phần lớn không chấp nhận việc phim đầu tư tiền tỷ nhưng mắc lỗi sai nghiêm trọng về lịch sử. Khâu hóa trang, đặc biệt là bộ râu giả của bác Ba Phi cũng bị nhận xét là chưa thật, thiếu tự nhiên.

'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn ảnh 6

Khâu hóa trang và cách xây dựng nhân vật bác Ba Phi (Trấn Thành) là một trong những yếu tố khiến phim bị chỉ trích.

Trước đó, Nguyễn Quang Dũng từng thiếu cẩn thận khi dùng hình ảnh bà Tống Mỹ Linh sai lệch trong phim Dạ cổ hoài lang (2017). Lần này, có lẽ đạo diễn vẫn chưa rút được kinh nghiệm dù ấp ủ dự án nhiều năm liền.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người xem ghi nhận nỗ lực của ê-kíp, đánh giá cao cách phim làm mới câu chuyện cũ, mang lại những giây phút thư giãn.

Tuy nhiên, Đất rừng phương Nam có lẽ chỉ phù hợp với những ai chưa từng đọc nguyên tác hoặc xem bản truyền hình. Với những hạn chế còn tồn tại, phim chỉ dừng lại ở mức độ tác phẩm giải trí, xem cho vui rồi thôi.

Tin liên quan