Dấu ấn mở cửa cho nông sản Việt ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2023, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) đã quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trong đó góp phần quan trọng trong việc giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng cao, ước đạt 3,83%.

Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD là rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, năm 2023, nhóm hàng rau quả và gạo "thắng đậm" chưa từng có, khi vượt qua tất cả các dự báo và mục tiêu đặt ra hồi đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Cùng với gạo, năm 2023 xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục mới khi đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam, khi chinh phục được thị trường Trung Quốc.

Đây là một kết quả ấn tượng từ định hướng của Bộ NN&PTNT về phát triển sản phẩm đa giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản thời gian qua.

Thời gian qua, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác nhu cầu lớn về nhập khẩu các loại trái cây đã tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Cục BVTV đã tiến hành các đàm phán nhằm mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản và trái cây tươi, qua đó cho thấy sự chấp nhận của nhiều thị trường quốc tế đối với nông sản Việt. Trong đó, Trung Quốc - một thị trường lớn trong lĩnh vực trái cây, là đối tác quan trọng, mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp nước ta.

Dấu ấn mở cửa cho nông sản Việt ra thế giới ảnh 1

Với kim ngạch xuất khẩu năm qua khoảng 2,3 tỷ USD, sầu riêng trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, năm qua, xuất khẩu nông sản tăng rất ấn tượng nhờ mở cửa thị trường. Năm qua, với thị trường Mỹ, Cục BVTV đã hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và đặc biệt là cán bộ của Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tại Việt Nam để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật giữa hai nước.

Cục BVTV đã phối hợp với APHIS tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói các loại quả tươi đăng ký xuất khẩu sang Hoa Kỳ; đón tiếp đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tham quan vùng trồng bưởi diễn tại Hoài Đức (Hà Nội); đàm phán và được APHIS chấp nhận cho phép nhập khẩu quả dừa tươi của Việt Nam xuất sang Mỹ.

Với thị trường Trung Quốc, Cục BVTV đã cập nhật và cung cấp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói các loại quả xuất khẩu sang thị trường này. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục đối với vùng trồng và các cơ sở đóng gói xuất khẩu quả tươi vi phạm theo yêu cầu của Trung Quốc…

Bên cạnh đó, Cục đã trao đổi thông tin với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối tươi) xuất sang Trung Quốc. Tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu.

Phối hợp với GACC tổ chức các đợt kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với quả sầu riêng, khoai lang, chuối, dừa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thống nhất cơ chế trao đổi giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc áp dụng bước đầu cho quả sầu riêng từ ngày 1/6/2023…

Bên cạnh đó, Cục BVTV đã cấp gần 7.000 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm (sầu riêng, chanh leo, bưởi, thạch đen, chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…). Số lượng các mã số vùng trồng bị thu hồi là 201 mã số; 206 mã số cơ sở đóng gói với lý do không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.