Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, không khó để nhận biết tin nhắn, cuộc gọi giả mạo của kẻ lừa đảo. Phụ huynh chỉ cần bình tĩnh và đọc kỹ tin nhắn đều dễ dàng nhận ra.

Tại tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học” do báo Tiền Phong tổ chức tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) ngày 17/3, thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân nhìn nhận, trong việc xuất hiện nạn lừa đảo, nhà trường và phụ huynh phải phối hợp thật tốt thì sẽ hạn chế vấn nạn này. Trong đó, khi tiếp nhận thông tin vụ việc thì cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh con em mình có thật sự bị như vậy không.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 1

Thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân

Thầy Độ cũng chỉ ra một số điểm giúp phụ huynh nhanh chóng xác định được yếu tố lừa đảo. Theo đó, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với những tin nhắn sai chính tả bởi giáo viên khó mà viết sai. Đó chắc chắn không phải thầy cô của con em mình.

“Trường tôi nhấn mạnh với phụ huynh là làm việc bất cứ vấn đề gì cũng cần trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo nhóm Zalo để kết nối và thông tin với phụ huynh nên việc chia sẻ rất nhanh chóng và hiệu quả, từ đó các bậc phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt nhanh chóng, chính xác các vụ việc” – thầy Nguyễn Đình Độ nói và nhấn mạnh thêm, chỉ cần làm tốt khâu quan hệ giữa nhà trường và gia đình thì chẳng đối tượng nào có thể lừa đảo được.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 2

Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy

Chia sẻ về sự việc phụ huynh nhận được thông tin con em nhập viện từ kẻ lừa đảo trong những ngày qua, Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 3/3 có 2 phụ huynh đến bệnh viện tìm thông tin của con bị tai nạn nhập viện nguy kịch nhưng tìm thông tin không thấy. Nhân viên y tế đã cảnh giác với thông tin và chuyển đến bảo vệ để phối hợp với công an xử lý. Bệnh viện cũng đã cung cấp thông tin đến tất cả cơ quan truyền thông để cảnh báo vụ việc với dấu hiệu lừa đảo. Nhưng những ngày sau, bệnh viện tiếp tục nhận thêm nhiều vụ việc tương tự.

“Chúng tôi rất tiếc khi nhiều phụ huynh không tiếp cận thông tin đã được cảnh báo dẫn đến tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra. Bệnh viện bị xem là nơi đối tượng lừa đảo nhắm đến để gây áp lực cho phụ huynh học sinh vì chúng đã nhìn thấy vị thế hạng đặc biệt của bệnh viện Chợ Rẫy - nơi tuyến cuối tiếp nhận ca bệnh nặng. Đây là thủ đoạn tinh vi đánh vào sự tin tưởng của người nhà học sinh” – ông Hiển nói đồng thời khẳng định, ở các bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại, đây là điều cấm kỵ vì không rõ ràng, không minh bạch. Quy trình đóng tiền rất rõ ràng, theo từng khâu cụ thể. Quy trình phẫu thuật đặc biệt chặt chẽ, đứng trước bệnh nhân nguy kịch thì “cứu người trước, tiền bạc tính sau” là phương châm của bệnh viện. Sau phẫu thuật thì phòng CTXH là nơi tìm thân nhân hoặc lo viện phí cho những bệnh nhân nếu hoàn cảnh khó khăn.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 3

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, mỗi ngày trung tâm an ninh mạng Athena tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TPHCM mà có thể gọi đến từ nước ngoài. Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng.

“Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy là vấn đề đang tồn tại bởi trẻ không lường được rủi ro, cạm bẫy trên không gian mạng. Luật an ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro” – ông Võ Đỗ Thắng khuyến cáo.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 4

Bà Đào Nguyên Phương Thảo, khoa Luật - Trường ĐH Mở TPHCM

Dù hiện nay pháp luật đã có quy định rõ ràng về các loại thông tin cần được bảo mật, mức xử lý từ hành chính đến hình sự về việc chiếm dụng thông tin tùy theo hậu quả. Tuy nhiên, bà Đào Nguyên Phương Thảo, khoa Luật - Trường ĐH Mở TPHCM cho biết tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, "Người mạo danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh để thông báo học sinh bị tai nạn nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch để chiếm đoạt tài sản sẽ bị cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 20 năm học chung thân. Về nguồn lộ thông tin, nếu một người lấy thông tin của người khác đem bán thương mại thì bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu người đó cấu kết ngay từ đầu, muốn sử dụng thông tin đó để lừa đảo thì người đó sẽ bị xem là đồng phạm với đối tượng lừa đảo"- bà Đào nói.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 5

Anh Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn chia sẻ tại toạ đàm.

Dưới góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn bày tỏ sự lo lắng khi cách đây mấy ngày có một số luồng thông tin hướng đến con anh. Theo anh Nam, nhiều phụ huynh có thói quen chia sẻ hình ảnh, thông tin mang tính riêng tư về con cháu của mình lên mạng. Theo anh Nam để tấn công một người rất dễ, đặc biệt với những người quen thân con em mình. Đây cũng là nguy cơ cực lớn để tội phạm tấn công mục tiêu bởi những món tiền rất lớn mà chúng có thể nhận được.

"Sau tọa đàm này, tôi sẽ báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn và cũng sẽ triển khai trên các kênh thông tin của Trung ương Đoàn, từ đó đề xuất báo Tiền Phong thực hiện tuyến bài để cảnh giác các thủ đoạn, âm mưu của tội phạm công nghệ cao, về những lỗ hổng không chỉ ở cơ quan nhà nước, về luật, cơ chế, mà còn của chính mỗi chúng ta để có thể tác động, lan tỏa sâu rộng đến nhiều người hơn” - anh Nguyễn Hải Nam nói.

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' ảnh 6

Ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM

Liên quan đến giải pháp, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM cho rằng, Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo này, để cung cấp thông tin đến người dân giúp người dân ý thức được hậu quả khi bị tội phạm công nghệ tấn công.

"Để ngăn chặn mưu đồ của người phạm tội, cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan công an cần có giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bản thân những người dễ bị tấn công lợi dụng cần phải tăng cường phòng vệ để tăng sức đề kháng của mình, góp phần ngăn chặn tội phạm. Mỗi công dân cũng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý thông tin vi phạm” – ông Đặng Mạnh Trung nói.

Cũng theo ông Trung, cơ quan chức năng cần kiên quyết, nghiêm túc hạn chế và loại bỏ tội phạm chiếm đoạt thông tin để lừa đảo. Tội phạm diễn ra rất dai dẳng, cộng đồng luôn nóng lòng xử lý khẩn cấp. Hành lang pháp lý đã quy định rõ từng hành vi vi phạm cụ thể. Tuy nhiên cũng cần thiết rà soát lại việc vận hành luật và cần bổ sung cho hành lang pháp lý để khi có phát sinh thì ngăn chặn ngay góp phần bảo đảm an toàn cho xã hội.

MỚI - NÓNG