Dạy chương trình Ngữ văn mới: Giáo viên cần bước qua lối mòn kiến thức và tư duy

0:00 / 0:00
0:00
Năm học 2021 – 2022, sách giáo khoa Ngữ văn 6 của chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy trong bối cảnh học sinh học trực tuyến kéo dài đã đặt ra cho giáo viên nhiều thách thức.

Trong tiến trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018), năm học 2021-2022, sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 6 được đưa vào giảng dạy với ba lựa chọn: bộ sách Cánh Diều; Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Dạy chương trình Ngữ văn mới: Giáo viên cần bước qua lối mòn kiến thức và tư duy ảnh 1

Ghi nhận cho thấy giáo viên hào hứng và nhiều lời khen cho bộ sách mới như hình thức đẹp, ngữ liệu hay và cách thức tiếp cận vấn đề mới mẻ gây hứng thú cho người học.

Tuy nhiên, triển khai chương trình SGK mới trong thời điểm học sinh học trực tuyến do dịch COVID-19 đã đặt ra không ít thách thức tại thời điểm đó.

Bước qua lối mòn kiến thức và tư duy

Đầu tiên là thách thức về thay đổi phương pháp giảng dạy, từ chỗ dạy học cung cấp kiến thức, nay chuyển sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Không chỉ vậy, thách thức còn đến từ việc phá vỡ lối mòn kiến thức cho chính các nhà giáo - những người đã quen với khung chương trình của bộ SGK hiện hành trước đó trong suốt hơn 20 năm.

Chương trình cũ dạy “cái - cái” (đầu vào kiến thức, đầu ra là kiến thức); còn chương trình mới dạy “cái - cách” (dạy kiến thức để học sinh hình thành kĩ năng).

Lý thuyết là thế nhưng thực tế giảng dạy, giáo viên cũng gặp những rào cản, sự lúng túng khó tránh khỏi. Đơn cử cách kết cấu chương trình Tiếng Việt, giáo viên càng nhiều kinh nghiệm dạy chương trình cũ lại càng dễ dẫn đến tình trạng quá tải kiến thức và chưa đúng với định hướng của SGK mới.

Chính bởi vậy, với chương trình mới, giáo viên cần bước qua lối mòn để xây dựng hoạt động giảng dạy phù hợp, biến những kiến thức thành năng lực sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày cho học sinh.

“Giáo viên cần thay đổi quan điểm, cách tổ chức các hoạt động dạy học để phát huy và đánh giá được năng lực của học sinh theo chương trình mới”, cô Tạ Minh Thủy - tổ trưởng tổ Ngữ văn 6, 7 trường THCS Vinschool Times city - chia sẻ.

Nhận ra sự khác biệt

Từ thực tế giảng dạy tới thực tế của quá trình “làm mới mình”, nhiều giáo viên đã ghi nhận và học hỏi được nhiều điều mới mẻ, nhiều cách thức triển khai hiệu quả.

Do đó, để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là dạy học phân hóa. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy học phù hợp theo từng đối tượng học sinh, tùy vào khả năng nhận thức, vùng hiểu biết, năng lực, sở thích, cá tính…

Với tinh thần đó, rất nhiều thầy cô đã chú trọng xây dựng những mục tiêu, hoạt động, hình thức hỗ trợ cụ thể với từng nhóm đối tượng.

“Nếu chỉ phân hóa không e là chưa đủ. Thầy cô còn phải là các kỹ sư ‘bắc giàn giáo’ (kĩ thuật scraffolding) để từng đối tượng học sinh có hệ thống câu hỏi hỗ trợ đi đến mục tiêu mong muốn”, cô Tạ Minh Thủy nhấn mạnh, gợi mở một lưu ý then chốt để hoạt động phân hóa đạt hiệu quả cao.

Chương trình Ngữ văn mới chú trọng đồng thời kĩ năng Đọc, Viết, Nói và Nghe. Nhìn chung, giáo viên đánh giá rất cao các hoạt động Nói và Nghe được xây dựng trong ba bộ sách giáo khoa mới. Đây chính là cách thầy cô phải lùi lại, nhường “sân khấu” cho học trò, trao cho học trò cơ hội được bày tỏ ý kiến, quan điểm; đưa - nhận phản hồi.

“Qua việc dự giờ, thăm lớp, tôi nhận thấy giáo viên đã từng bước thay đổi trong việc trao cơ hội cho học sinh. Từ một người nói truyền thống, giáo viên đã đặt ra nhiều vấn đề để học sinh được nêu ý kiến, phát triển tư duy phản biện”, cô Nguyễn Thị Hoàn Cẩm - chuyên viên Phòng GD&ĐT Long Biên - cho biết.

Cô Lâm Kiều Ninh, giáo viên trường THCS Đống Đa, Hà Nội đã đưa ra những gợi ý từ những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy. Cô cho rằng học sinh phải chủ động tìm hiểu, tiếp cận kiến thức qua các giai đoạn trước - trong - sau tiết học. Để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên không nên tạo ra áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau.

Cùng quan điểm đó, thầy Quốc Thịnh, giáo viên hệ thống giáo dục Vinschool bày tỏ quan điểm giáo viên cần chú trọng giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết luận, kỹ năng thuyết trình, phản biện thay vì truyền tải kiến thức một chiều, mang tính áp đặt.

MỚI - NÓNG