Dạy học tích hợp: Gỡ vẫn rối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dạy học tích hợp ở bậc THCS được coi là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, giáo viên, hiệu trưởng nhiều nơi kêu vướng, khó. Chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận dạy học tích hợp là điểm nghẽn và mới đây có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các trường.
Dạy học tích hợp: Gỡ vẫn rối ảnh 1
Nhiều trường từng cho rằng dạy học tích hợp gặp khó khăn.

Theo hiệu trưởng các trường, kiến thức môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tích hợp đơn giản, giáo viên có thể đảm nhận nhưng đến lớp 7, lớp 8 tích hợp sâu hơn, khó hơn nên họ không tự tin.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn kế hoạch dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường. Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công theo các mạch nội dung. Khi bố trí giáo viên dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học, phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Trong trường hợp gặp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình. Giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, các trường phân công giáo viên dạy đồng thời cả phân môn Lịch sử và Địa lý trong từng học kỳ phù hợp. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và cuối kỳ được thực hiện theo từng phân môn riêng rẽ. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp để tổng hợp điểm, ghi nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.

Ở nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ưu tiên phân công giáo viên phụ trách theo từng chủ đề nhằm tạo thuận lợi trong xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như đánh giá học sinh. Ví dụ, chủ đề hoạt động hướng tới tự nhiên, giáo viên Địa lý có ưu thế trong tổ chức cho học sinh tìm hiểu, huy động các kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; hay chủ đề về hướng nghiệp, giáo viên Công nghệ có ưu thế cho học sinh tìm hiểu về trang thiết bị, dụng cụ lao động và kỹ năng sử dụng an toàn…

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng, trong quá trình triển khai, một số cơ sở gặp khó khăn, vướng mắc nên hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT tháo gỡ điều đó. Điểm mới của hướng dẫn là có phần hướng dẫn cụ thể cách tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả các môn học tích hợp để các địa phương thống nhất trong cách triển khai.

Còn nhiều bất cập

Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt các mạch nội dung môn học phù hợp với phân công giáo viên. Ví dụ, ở chương trình lớp 7 môn khoa học tự nhiên, phần mở đầu 6 tiết, Bộ GD&ĐT hướng dẫn có thể phân công giáo viên cả 3 môn đảm nhận. Đến phần 2-3 có nội dung nguyên tử, nguyên tố hóa học 8 tiết; trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở Sinh Vật 32 tiết; Lực 11 tiết, có thể xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt.

Bà Đ.T.H.V., hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội, nói rằng, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT có phần tháo gỡ cho trường học đang loay hoay chưa biết xoay xở thế nào với dạy học tích hợp cũng như cho thấy, đổi mới cần có thời gian, không quá lo lắng, áp lực phải chuẩn chỉnh ngay từ những năm đầu tiên thực hiện. “Thực tế, một số trường trong thế khó đã tự tìm cách tháo khóa nếu không sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học”, bà V. nói.

Không phủ nhận tồn tại thực trạng một số giáo viên nhiều tuổi, chậm bắt kịp yêu cầu đổi mới, bà V. còn khẳng định, nhiều giáo viên trẻ trước đó được đào tạo đơn môn dù bồi dưỡng nhưng kiến thức chưa ngấm đã đứng lớp dẫn đến dạy sai. Do đó, từ năm ngoái, nhà trường đã linh hoạt áp nhiều phương thức như có phân môn bố trí giáo viên dạy song song, nhưng cũng có phân môn quay về dạy đơn môn như trước.

Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói, hướng dẫn mới đã tháo gỡ được những vướng mắc của các trường THCS. Tuy nhiên, các trường “linh hoạt xếp thời khóa biểu” cũng có nghĩa là phân môn nào khó, quay về giáo viên môn nào đứng lớp môn đó như cũ rồi từ từ tiến tới tích hợp.

Bà Na cho rằng, các môn tích hợp ở bậc THCS hiện còn nhiều bất cập khi sách giáo khoa tích hợp nhưng các phân môn vẫn do các chuyên gia viết tách rời ghép lại một cách cơ học. Chưa kể, đến thời điểm này, dạy học tích hợp nhưng kiểm tra đánh giá vẫn riêng rẽ kiến thức từng phân môn; chưa thiết kế được các dạng bài tập tích hợp để làm đề thi trong khi năm học 2024-2025 là lứa học sinh đầu tiên của bậc THCS thi vượt cấp theo chương trình GDPT 2018.

MỚI - NÓNG
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
TPO - Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Bùi Quang Huy – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với Văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ Hàn Quốc và Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc. Nhiều nội dung liên quan thúc đẩy hợp tác thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã được chia sẻ, đề xuất.
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
TPO - Cuốn sách tập hợp ký họa, nhật ký của một chiến sĩ trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được dịch từ tiếng Anh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt. Dịp này độc giả được đọc lại những tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ từ rất sớm do những tên tuổi như Trần Dần, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Huy Tưởng chấp bút.