Dạy học tích hợp: Vẫn rối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm nay là năm thứ 3 triển khai dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), Bộ GD&ĐT đã phải nhiều lần ban hành hướng dẫn nhưng các nhà trường, địa phương vẫn kêu khó, lúng túng triển khai. Hôm qua (10/12), Bộ GD&ĐT tiếp tục tập huấn, gỡ rối dạy học tích hợp cho giáo viên THCS trên toàn quốc.

Ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, khi thực hiện dạy học chương trình GDPT 2018, trong đó có các môn tích hợp địa phương gặp nhiều khó khăn như: thừa thiếu giáo viên cục bộ; thiếu trang thiết bị dạy học; đội ngũ giáo viên lớn tuổi sức ì, ngại đổi mới.

Trường học gặp khó cả sắp xếp thời khoá biểu lẫn việc kiểm tra đánh giá khi 3 giáo viên cùng dạy học 1 môn . Từng bước tháo gỡ khó khăn, đến nay địa phương dần thích ứng, cách bố trí dạy học các môn tích hợp là căn cứ số lượng giáo viên hiện có, chuyên môn đã được đào tạo để phân lớp. Có nơi, giáo viên dạy song song 2 phân môn, có nơi đã dạy được cả 3 phân môn.

Để làm được điều đó, Sở GD&ĐT Nam Định tập huấn đội ngũ, sắp xếp biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác. Toàn tỉnh có 182 giáo viên biệt phái dạy học các môn tích hợp, đảm bảo thực hiện chương trình. Trước và trong quá trình triển khai tổ chức nhiều chuyên đề cho giáo viên các trường học tập lẫn nhau.

Qua theo dõi cho thấy, học sinh được học tích hợp, có kiến thức ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, ông Thọ cảnh báo, xu hướng vài năm trở lại đây, số lượng chọn các môn Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí đội ngũ, người quá nhiều tiết, người ít tiết mà trong tương lai, có thể thiếu nhân lực ngành khoa học cơ bản.

Dạy học tích hợp: Vẫn rối ảnh 1

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 triển khai dạy học tích hợp ở bậc THCS với nhiều khó khăn.

Ảnh: Mạnh Thắng

Phó GĐ Sở GD&ĐT Quảng Trị, ông Mai Huy Phương nói rằng, khi thực hiện chương trình mới ở bậc THCS, địa phương đã ưu tiên, chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp nhưng khi khảo sát thầy cô vẫn chưa đủ tự tin đứng lớp. Những năm đầu tiên, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề theo lô gic tuyến tính nhưng thực tế triển khai lại rất vướng. Bởi vì, các chủ đề có mức độ tích hợp rất ít, trong khi phụ huynh, giáo viên băn khoăn với năng lực, tâm lý lứa tuổi, học sinh tiếp nhận theo hình thức cuốn chiếu có phù hợp hay không? Sau những băn khoăn, nghi ngại thời gian đầu, đến năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT một lần nữa có hướng dẫn linh hoạt hơn cho các trường, trong đó ưu tiên đảm bảo chất lượng đội ngũ nên vấn đề khó trong bố trí giáo viên đứng lớp được tháo gỡ.

Báo cáo của 33/63 Sở GD&ĐT cho thấy, đến nay dạy học tích hợp vẫn vướng với 5 nhóm vấn đề khó khăn như: thiếu giáo viên, giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó bố trí sắp xếp thời khoá biểu; chưa đồng bộ giữa chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của tác giả SGK; khó khăn trong kiểm tra, đánh giá; không đủ thiết bị dạy học nên giờ học không đạt hiệu quả như mong muốn…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành lý giải, trong quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT nhiều lần có văn bản hướng dẫn, trong đó không ép 1 giáo viên dạy kiến thức tất cả các môn. Mục tiêu quy định rõ, nâng cao năng lực nhà giáo để có thể từng bước đảm bảo dạy học tích hợp. Các nhà trường cũng được giao quyền chủ động, linh hoạt sắp xếp thời khoá biểu.

Về kiểm tra, đánh giá, trước đây dạy đơn môn, thầy cô một mình một ngựa cứ thế chạy nên khi tích hợp kiểm tra, đánh giá lại kêu khó.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, có nơi, có cơ sở không đọc kỹ văn bản, không có sự thống nhất cách làm, dẫn đến cách hiểu khác nhau.

MỚI - NÓNG