Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề

0:00 / 0:00
0:00
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đáng chú ý là hợp tác quốc tế trong dạy nghề.

Trong năm 2022, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm cơ sở triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, như: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”…

Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặc biệt chú trọng. Trong năm, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức khởi động 4 dự án hỗ trợ kỹ thuật, gồm: Dự án Chương trình Đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam II, Dự án Cơ chế đối tác thúc đẩy di cư an toàn và hợp pháp do Đức tài trợ; Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua giáo dục nghề nghiệp do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tài trợ; Dự án Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam do Chính phủ Úc tài trợ.

Bộ LĐ-TB&XH cũng trình phê duyệt văn kiện phi dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; dự án SQ-Net do Hàn Quốc tài trợ; xây dựng đề xuất, vận động dự án hỗ trợ kỹ thuật do EU tài trợ; dự án hợp tác Mêkông Hàn Quốc...

Năm 2022, Việt Nam cũng tiếp tục triển khai Dự án Đối sánh trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế (Chương trình EU-VET Toolbox). Phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện một số hoạt động phục vụ việc sửa đổi Chương IV Luật Việc làm. Tăng cường hợp tác với các đối tác về phát triển kỹ năng nghề và mô hình Hội đồng kỹ năng nghề.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề ảnh 1

Hợp tác quốc tế giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam, sớm tiệm cận tiêu chuẩn thế giới. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh việc thực hiện các dự án, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị dạy nghề cũng đã rất chủ động trong việc tham gia vào các diễn đàn khu vực và thế giới với tư cách thành viên, gồm: Tham gia Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương; tham dự các cuộc họp, hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN với tư cách là đầu mối kênh lao động của Việt Nam; tổ chức cuộc họp lần 2 của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN và Đối thoại chính sách khu vực về Quản trị nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp thời kỳ chuyển đổi số và cách mạng 4.0 tại Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cũng triển khai Dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo cho 16 trường, bao gồm 14 trường cao đẳng chất lượng cao và 2 trường đại học sư phạm kỹ thuật thông qua đầu tư đồng bộ trang thiết bị đào tạo; tăng cường sự tham gia của các đối tượng yếu thế và cộng đồng vào giáo dục nghề nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo của Dự án. Trong khuôn khổ dự án, hiện đang thực hiện 04 gói thầu tư vấn, 04 gói thầu thiết bị.

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, các chuẩn quốc tế; những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại… Đây là bối cảnh thuận lợi để các chương trình hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tiếp tục triển khai và quản lý hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật và dự án vốn vay đã được phê duyệt. Tiếp tục hợp tác với các đối tác chiến lược, truyền thống để vận động xúc tiến các dự án, ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh thông tin đối ngoại, tham gia tích cực vào diễn đàn giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và thế giới để nâng cao hình ảnh và vị thế của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế với tư cách thành viên. Tổ chức đa dạng các hoạt động hợp tác quốc tế như: Tọa đàm, hội nghị, hội thảo, ký kết và triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác, giao lưu văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên/học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và các nước.

MỚI - NÓNG