Dạy Ngữ văn lớp 6: Sẽ chấm dứt tình trạng sao chép văn mẫu

0:00 / 0:00
0:00
Đổi mới dạy học Ngữ văn được cho là giúp học sinh sáng tạo hơn
Đổi mới dạy học Ngữ văn được cho là giúp học sinh sáng tạo hơn
TP - Theo nhiều giáo viên dạy Ngữ văn trong các trường THCS, sách giáo khoa lớp 6 thiết kế các bài học thành chủ đề và kiểm tra, đánh giá học sinh hoàn toàn bằng ngữ liệu mới. Với phương thức học tập này, sẽ không còn tình trạng học sinh sao chép văn mẫu.

SGK Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được các tác giả giới thiệu là có nhiều đổi mới so với chương trình cũ. Sau mỗi bài học yêu cầu học sinh rèn được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cấu trúc mỗi bài học trong SGK lớp 6 cũng được đổi mới khi được xây dựng thành các chủ đề.

Cô Phạm Thị Thu Hà, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, chương trình SGK Ngữ văn lớp 6 yêu cầu giáo viên, học sinh phải đổi mới cả phương thức dạy và học.

Giáo viên phải sáng tạo trong thiết kế bài dạy để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, còn các em được giao quyền khám phá, sáng tạo, không phải học thuộc lòng như trước. “Điều này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sao chép văn mẫu”, cô Hà nói.

Tuy nhiên, sau một tháng dạy học theo chương trình, SGK mới, cả giáo viên, học sinh đang gặp một số khó khăn.

“Nhất là giáo viên lâu năm, dạy học phương pháp cũ đã quá quen nay đổi mới hoàn toàn về phương pháp nên có giai đoạn hụt hơi. Do đó, tổ chuyên môn phải sinh hoạt, chia sẻ, đánh giá phương pháp dạy học, đồng thời ở khối 7-8-9 cũng được dần làm quen để tránh đổi mới đột ngột cho năm học tới. Riêng học sinh lớp 6 năm nào cũng có khó khăn vì phương thức học tập tiểu học lên THCS khác nhau.

Phương pháp học mới ít nhiều đều phải mất thời gian mới tiệm cận được, chưa kể năm nay học trực tuyến, cô trò chưa được gặp mặt, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, tâm huyết, học sinh chủ động nghiên cứu SGK mới đạt hiệu quả”, cô Hà nói.

Đầu năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường THPT học thật, thi thật. Riêng môn Ngữ văn, phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Rèn học sinh cả cách viết và nói

Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn một trường THCS tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nói rằng, chương trình, SGK mới được xây dựng theo hướng mở, đòi hỏi phát triển năng lực học sinh.

Do đó, giáo viên được quyền chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp đối tượng, còn học sinh được chủ động phát triển năng lực. SGK lớp 6 được thiết kế theo các chủ đề, gồm tình bạn, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.

Mỗi bài học rèn luyện 4 kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Việc này rèn cho học sinh cả khả năng cảm thụ tác phẩm, cách viết và cả cách nói. Nếu áp dụng tốt, có thể hạn chế được tình trạng một số em viết hay nói dở hoặc nói hay viết dở, cũng như thúc đẩy khả năng đọc hiểu của học sinh.

Theo vị tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, đổi mới lớn nhất lần này chính là việc kiểm tra, đánh giá hoàn toàn không sử dụng ngữ liệu trong SGK.

“Trước đây, một tác phẩm có thể “nhai đi nhai lại”, học sinh thậm chí học thuộc để chép thì nay các em sẽ phải nắm chắc đặc trưng thể loại, phương pháp học, vận dụng kiến thức, kỹ năng để kiểm tra”, giáo viên này nói.

Cô Trần Thành, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, đổi mới từ gốc là SGK chưa đủ mà phải từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các cơ quan quản lý phải dẹp bỏ bệnh thành tích lẫn các lò luyện thi, sách mẫu.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.