Dạy và học môn lịch sử: Phải có những thay đổi mạnh mẽ

Giờ lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt (Hà Nội Mới
Giờ lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt (Hà Nội Mới
Giải pháp hàng đầu là phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm, nhận thức đối với môn lịch sử ở cấp học phổ thông.

Tình trạng nhiều học sinh (HS) phổ thông thờ ơ với việc học môn lịch sử không phải là chuyện mới. Chừng dăm năm trước, trước sự lo lắng của xã hội khi Bộ GD-ĐT công bố thông tin hàng nghìn bài thi môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) phải nhận điểm 0, đã có nhiều giải pháp được đề cập, song đến nay, thực tế cho thấy tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến. Vì sao như vậy?

Lỗi không phải từ học sinh?

Theo kết quả khảo sát sơ bộ được thực hiện trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội, số HS chọn thi môn lịch sử chiếm tỷ lệ trên dưới 10% - thấp nhất trong số các môn thi, điều đó cho thấy nhiều HS không mặn mà với môn học này.

Sự "lép vế" của các môn khoa học xã hội nói chung, môn lịch sử nói riêng còn được thể hiện qua các kỳ tuyển sinh ĐH hằng năm khi chỉ có khoảng 4-5% HS đăng ký dự thi khối C.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn trong việc dạy và học môn lịch sử đã được "điểm mặt, chỉ tên", trong đó có lỗi từ nội dung chương trình, sách giáo khoa nặng nề, hàn lâm và thiếu tính thực tiễn.

Việc kiểm tra, đánh giá HS ở môn lịch sử cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi chủ yếu yêu cầu học thuộc lòng, ít tạo cho HS thói quen độc lập suy nghĩ và hình thành kỹ năng.

Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: Trong sách Lịch sử lớp 12 có khá nhiều bài, nhiều sự kiện yêu cầu HS phải trình bày bài học kinh nghiệm lịch sử về bạo lực cách mạng hoặc đấu tranh cách mạng…

Đành rằng HS cuối cấp THPT phải có tư duy nhất định về lịch sử, biết vận dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống, nhưng có lẽ những điều này sẽ phù hợp với học viên trường lý luận chính trị hoặc cán bộ tuyên giáo hơn là với một HS phổ thông.

Với những yêu cầu cụ thể nói trên, dễ thấy là HS THPT, những người còn ít kinh nghiệm thực tiễn sẽ chọn giải pháp học thuộc những gì được truyền dạy và đưa chúng vào bài thi một cách máy móc.

Đến nay, ngành giáo dục không có văn bản nào quy định môn lịch sử là môn phụ, nhưng trong thực tiễn, cách điều hành của không ít trường vô tình làm cho môn này trở thành môn phụ. Điều đó ảnh hưởng tới việc giảng dạy của giáo viên, việc học của HS và định hướng học tập cho con cái của nhiều phụ huynh.

Ngoài ra, cần phải tính đến yếu tố "đầu ra" liên quan đến môn học này, điều có thể khiến nhiều HS e ngại. Thực tế cho thấy những người làm việc ở các ngành khoa học xã hội - nhân văn nói chung thường có thu nhập không cao, ít cơ hội phát triển hơn so với các ngành được cho là "thời thượng" như kinh tế, tài chính, ngân hàng. Cơ hội việc làm đối với những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trong các ngành học thuộc khối khoa học xã hội - nhân văn cũng khá chật vật…

Trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ tuyên dương HS đoạt giải quốc gia môn lịch sử, diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thẳng thắn nhận định: Với thực tế hiện nay về cách dạy, nội dung chương trình sách giáo khoa… thì chuyện HS thờ ơ với môn lịch sử là tất yếu.

Song, sự giảm sút về chất lượng học không hẳn thuộc trách nhiệm của HS, càng không phải do bản thân môn lịch sử. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, ở góc độ nào đó, thái độ không thích học sử của HS mang tính tích cực nhất định, nó đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt liên quan tới sự dạy - học môn này.

Xác định giải pháp "gốc"

Rõ ràng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học môn lịch sử trong trường phổ thông. Quá trình "mổ xẻ" các nguyên nhân, đánh giá thực tiễn và tìm căn cứ khoa học, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, có một nguyên nhân quan trọng, mà nếu giải quyết được tận gốc khâu này thì toàn bộ các khâu sau sẽ có chuyển động tích cực.

Đó là phải thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, thầy cô giáo đến cha mẹ HS và toàn xã hội về vai trò của môn lịch sử trong giáo dục con người nói chung, giáo dục nhân cách thế hệ trẻ nói riêng.

Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 (khóa VIII) chỉ rõ, để nền giáo dục phát triển bền vững, xây dựng lớp thế hệ trẻ có đủ đức, tài thì bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, "cần coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tiếng Việt, lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam".

Thực tế, khảo sát của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho thấy, hơn 40% giáo viên cho rằng môn lịch sử chưa được coi trọng đúng với vai trò và vị trí cần có, quan niệm "môn phụ" dẫn đến kết quả dạy và học lịch sử chưa cao.

Vì thế, giải pháp hàng đầu là phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm, nhận thức đối với môn lịch sử ở cấp học phổ thông. Không có nhận thức đúng thì tất cả những đề xuất về đổi mới nội dung, phương pháp, đội ngũ… nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn này không thể đem lại hiệu quả mong muốn.

Trong khi những vấn đề lớn như nội dung chương trình, sách giáo khoa… chưa thể điều chỉnh trong ngày một ngày hai, đội ngũ giáo viên dạy lịch sử chính là những người có thể khơi nguồn cảm hứng học lịch sử cho HS ngay khi các em bước chân vào trường phổ thông.

Trên trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông gần đây "dậy sóng" vì cách dạy lịch sử hấp dẫn của một số thầy, cô giáo của Hà Nội như cô Lê Thị Mỹ Dung (Trường THPT Phan Đình Phùng), thầy Phạm Ngọc Thụ (Trường THPT Yên Hòa)…

Ngay cả ở những ngôi trường không có HS nào đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, vẫn có nhiều HS yêu sử.

Một HS lớp 12 Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đã viết tặng cô giáo dạy sử: "Bây giờ em thấy thích môn sử hơn và học cũng dễ thuộc lắm. Khi học cô, em thấy thích lịch sử Việt Nam hơn nhiều, học về thời kháng chiến thấy tự hào về dân tộc hơn. Cảm ơn cô…".

Đã rõ ràng rằng HS không thích học sử không phải do lịch sử nhàm chán mà điều quan trọng là do cách dạy và nội dung giảng dạy mà ra.

Theo Thống Nhất  

Theo Hà Nội Mới
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Đoàn Tuyên Quang trao quà đến những hoàn cảnh khó khăn

Tỉnh Đoàn Tuyên Quang trao quà đến những hoàn cảnh khó khăn

TPO - Trong chương trình “Xuân tình nguyện” năm 2025 với chủ đề "Trao yêu thương – Tết hạnh phúc", Tỉnh đoàn Tuyên Quang đã trao tặng 30 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng gửi tặng 100 phần quà đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần mang đến một mùa xuân ấm áp và ý nghĩa.
Hai Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng tham gia chương trình lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu

Hai Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng tham gia chương trình lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu

TPO - Mới đây, PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng và TS. Phạm Huy Hiệu vừa được vinh danh tham gia chương trình Leaders in Innovation Fellowships (LIF) của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh 2025. Hai nhà khoa học trẻ Việt sẽ tham gia các chương trình đào tạo chuyên biệt, cố vấn và xây dựng mạng lưới kết nối quốc tế nhằm đưa những ý tưởng đột phá của mình ra thị trường và tối đa hóa tác động toàn cầu.
Sắc xanh thắp sáng đường biên

Sắc xanh thắp sáng đường biên

TPO - Công trình thanh niên "Thắp sáng đường biên" nhằm thúc đẩy sử dụng nguồn điện năng thay thế để giảm thiểu tác động môi trường, hướng đến phát triển bền vững; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cộng đồng dân cư vùng biên giới xứ Nghệ.