Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Với đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Bình đẳng giới sẽ đi vào đời sống hằng ngày nếu như đồng bào được tuyên truyền liên tục với các hình thức thiết thực, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống bà con",  TS. Kiều Thị Thuỳ Linh, Phó khoa Phụ trách Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam, phân tích.

Thưa TS. Kiều Thị Thùy Linh, Luật Bình đẳng giới ra đời có vai trò thế nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam?

Có nhiều nhà nghiên cứu ví von Luật Bình đẳng giới giống như chất kết dính giữa các mắt xích, các luật trong hệ thống pháp luật. Luật Bình đẳng giới không điều chỉnh chi tiết một nhóm quan hệ xã hội cụ thể mà điều chỉnh vấn đề giới, bình đẳng giới… trong tất cả các quan hệ xã hội phát sinh.

Thế nên, để hình dung về vai trò của Luật Bình đẳng giới thì có lẽ chúng ta hình dung theo hình ảnh trên là phù hợp nhất. Bất kỳ đạo luật cụ thể nào có yếu tố giới, bình đẳng giới thì Luật Bình đẳng giới đều có mối quan hệ nhất định, có sự liên quan nhất định. Do đó, Luật Bình đẳng giới sẽ đảm bảo yếu tố giới, bình đẳng giới… được đề cập, xuyên suốt trong từng luật cụ thể nói riêng và trong hệ thống pháp luật nói chung.

Theo chị, làm thế nào để đưa Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số?

Vấn đề nhận thức giới, ý thức về bình đẳng giới có lẽ không chỉ đặt ra với đồng bào dân tộc thiểu số mà cần phải đặt với tất cả mọi công dân, mọi cá nhân trong xã hội. Mỗi cá nhân cần nhận thức đầy đủ về giới, bình đẳng giới và tôn trọng trong việc thực hiện các quy định luật về bình đẳng giới trong các mối quan hệ xã hội mà mình tham gia.

Tất nhiên, chúng ta nhấn mạnh đến đồng bào dân tộc thiểu số bởi lẽ cơ hội tiếp cận tri thức, tiếp cận và hiểu đúng, đầy đủ về quy định pháp luật liên quan vấn đề này, cũng như thực hiện các quy định pháp luật này, sẽ không thể thuận lợi như người dân sinh sống tại thành phố lớn, khu vực đồng bằng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn.

Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Nâng cao tầm quan trọng của Luật Bình đẳng giới sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng định kiến giới và phân biệt đối xử. Ảnh: Xuân Tùng

Vậy với đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Bình đẳng giới sẽ đi vào đời sống hằng ngày nếu như đồng bào được tuyên truyền liên tục với các hình thức thiết thực, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống bà con.

Hơn nữa, các thông tin cơ bản về quy định pháp luật bình đẳng giới, phương thức thực hiện phổ biến nên được tuyên truyền tại nhiều địa điểm nơi bà con sinh sống, lao động, sinh hoạt tập thể.

Ngoài ra, những người đứng đầu cộng đồng của đồng bào cần được tập huấn, nâng cao kiến thức, hiểu biết về Luật Bình đẳng giới, bởi đây là những cá nhân có tiếng nói, ảnh hưởng, thậm chí như “tấm gương” để đồng bào thực hiện theo nên sự ảnh hưởng của các cá nhân này cũng rất lớn.

Thực tế, nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các phương thức hiệu quả hơn, nhưng đây là vấn đề không dễ dàng trong điều kiện hiện nay.

Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

TS. Kiều Thị Thuỳ Linh, Phó khoa Phụ trách Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Theo chị, thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt trong việc thực hiện bình đẳng giới?

Không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia, việc thực hiện và duy trì bình đẳng giới phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Thứ nhất, nhận thức xã hội, rào cản trong tư duy, nếp sống và thói quen phân biệt, bất bình đẳng giới trong từng cá nhân của xã hội vẫn còn sâu sắc. Những nếp tư duy của hàng nghìn năm phong kiến về sự phân biệt giới, bất bình đẳng đã ăn sâu và không dễ xoá nhoà. Đây chính là yếu tố cản trở rất lớn trong nhận thức và ý thức xã hội về vấn đề này.

Thứ hai, sự đồng bộ trong quy định luật, giữa các văn bản luật khác nhau trong hệ thống pháp luật là chưa tốt. Có thể ví hệ thống luật là một bộ máy ăn khớp, liên hoàn nhau thì đòi hỏi mỗi văn bản luật tuy điều chỉnh các vấn đề riêng rẽ nhưng có sự liên hệ với nhau thì đương nhiên phải đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Điều này Nhà nước ta đã rất cố gắng rà soát để tìm ra các điểm mâu thuẫn, chồng chéo nhưng thực tế cho thấy, văn bản luật chúng ta chưa giải quyết triệt để được vấn đề này.

Thứ ba, cơ chế triển khai trong thực tiễn tuy đã quyết liệt nhưng hiệu quả ở mức tuyệt đối chúng ta chưa đạt được. Hiện nay chúng ta luôn rà soát, luôn khuyến khích để việc bố trí nhân sự phù hợp, đảm bảo không bất bình đẳng giới hoặc các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới nếu phát sinh được giải quyết triệt để. Tuy vậy những con số cho thấy, nhiều lĩnh vực thì sự tham gia của nữ giới còn hạn hẹp hoặc nhiều lĩnh vực dường như mặc nhiên coi thuộc về nữ giới như giáo viên mầm non...

Thông qua một số phân tích nêu trên để thấy, còn nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt và muốn giải quyết hiệu quả thì phải tìm tận gốc vấn đề, giải quyết đồng bộ thì mới làm tăng hiệu quả trong việc duy trì, thực hiện bình đẳng giới cũng như thực hiện các quy định pháp luật.

Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Việc nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Luật Bình đẳng giới thường được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, lao động, hôn nhân... Làm thế nào các ngành này có thể hợp nhất để đảm bảo sự bình đẳng giới?

Đây là một vấn đề khó và thực tế nhà quản lý, nhà xây dựng lập pháp đều nhận thức sâu sắc và ý thức trong việc khắc phục. Có lẽ, trước mắt, việc đầu tiên phải làm chính là xây dựng sự đồng bộ, thống nhất trong quy định luật của các văn bản này, từ Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình cho đến Luật Giáo dục. Tất nhiên, còn nhiều văn bản luật khác cũng gặp tình trạng tương tự. Muốn vậy công việc rà soát quy định luật hiện hành, việc nắm bắt và dự đoán các vấn đề mới phát sinh để đảm bảo quy định luật đồng bộ. Hơn nữa, ngay các luật cũng cần có sự tham gia của một số chuyên gia trong việc xây dựng cùng các văn bản, tránh “luật nào thì luật đó xây”.

Theo chị, làm sao thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới?

Chúng ta đã luận bàn rất nhiều về việc làm sao thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới và cũng đã có rất nhiều sáng kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho đến các cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề này. Nhưng có lẽ, vấn đề mấu chốt nhất mà chúng ta phải nhận thức được đó là yếu tố nào mang tính “cốt lõi” khiến chúng ta thực hiện vẫn chưa hiệu quả các quy định về bình đẳng giới mặc dù chúng ta đã có khuôn khổ pháp lý rồi.

Yếu tố cốt lõi nhất chính là nhận thức từng cá nhân, từng thế hệ. Do đó, ở góc độ một nhà nghiên cứu, giảng dạy Luật, tôi cho là yếu tố then chốt chúng ta phải làm đó là lồng ghép trong nội dung học tập để bất kỳ cá nhân nào, từ khi còn thơ bé cho đến lúc trưởng thành phải nhận thức đầy đủ và ý thức hành động trong việc duy trì, đảm bảo bình đẳng giới.

Các nội dung bình đẳng giới, phương thức thực hiện… được lồng ghép trong các môn học (các cấp giáo dục) hoặc trong các học phần tại giáo dục cấp độ đại học hoặc tương đương. Chúng ta đi từ việc thay đổi tư duy để từ đó tạo nền tảng cho thay đổi hành động của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.