Khi ngòi bút trở thành cầu nối giữa tổn thương và hy vọng
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện đại, báo chí không chỉ là công cụ phản ánh hiện thực mà còn mang sứ mệnh nhân văn, hỗ trợ và bảo vệ những nhóm yếu thế trong xã hội. Theo ông, tác nghiệp với các nội dung dễ gây tổn thương tâm lý đòi hỏi không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn sự thấu cảm và trách nhiệm đạo đức cao từ người làm báo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng báo chí không chỉ là công cụ phản ánh hiện thực mà còn mang sứ mệnh nhân văn, hỗ trợ và bảo vệ những nhóm yếu thế trong xã hội. |
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Caroline Beresford, đã khẳng định sức mạnh của báo chí trong việc khuếch đại tiếng nói và bảo vệ nhân phẩm của các đối tượng được phản ánh. Bà nhấn mạnh rằng nhà báo không chỉ truyền tải thông tin mà còn mang trách nhiệm thúc đẩy công lý và xây dựng niềm tin cho những người dễ bị tổn thương.
"Ngòi bút của các bạn không chỉ là công cụ truyền tải thông tin, mà còn mang sứ mệnh đòi hỏi công lý và khuếch đại tiếng nói một cách trách nhiệm. Với sức mạnh đó, báo chí phải luôn đảm bảo tôn trọng nhân phẩm và giá trị của nhân vật."
Chia sẻ góc nhìn từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, đã kể lại những câu chuyện cảm động trong sự nghiệp báo chí của mình. Theo bà, việc báo chí "nhạy cảm" với tổn thương không chỉ là kỹ năng mà còn phải là một cam kết về đạo đức sâu sắc: của người làm báo: "Kể chuyện không phải để lấy thông tin mà là để bảo vệ nhân phẩm và khơi dậy lòng trắc ẩn từ xã hội."
Thạc sĩ Hoàng Thu Huyền: "Làm báo không chỉ là kể chuyện, mà còn là chữa lành". |
Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Hoàng Thu Huyền từ tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã chỉ ra rằng những người chịu tổn thương tâm lý thường mang theo cảm giác bị cô lập, ám ảnh, và lo sợ bị phán xét. Việc nhận biết và thấu hiểu những dấu hiệu này giúp nhà báo không chỉ bảo vệ nhân vật mà còn xây dựng những bài viết nhân văn và sâu sắc.
Bà chia sẻ: "Là những người làm báo, bạn không chỉ kể câu chuyện, mà còn chạm vào trái tim và khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong những người bị tổn thương. Hãy đồng cảm với nỗi đau của họ, bởi mỗi câu từ bạn viết ra có thể là hạt giống của sự chữa lành hoặc thêm gánh nặng cho một tâm hồn đã chịu nhiều đổ vỡ. Hãy để ngòi bút của bạn trở thành cầu nối giữa những trái tim tan vỡ và hy vọng phục hồi, giúp họ cảm nhận rằng họ không bị bỏ lại phía sau".
Hướng tới một nền báo chí nhân văn
Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng để hạn chế tổn thương cho nhân vật, phóng viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ nghiên cứu tài liệu, lên kế hoạch phỏng vấn đến việc chọn câu hỏi phù hợp. Đặc biệt, nên ưu tiên sự thấu hiểu và tạo không gian an toàn cho nhân vật chia sẻ.
Nhà báo Tạ Bích Loan giao lưu với các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Buổi tọa đàm "Đưa tin về các đối tượng tổn thương tâm lý" đã mang đến những góc nhìn phong phú từ các diễn giả là chuyên gia tâm lý, đại diện tổ chức quốc tế và các nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Các chia sẻ không chỉ giúp nâng cao nhận thức về báo chí nhân văn mà còn gợi mở những cách tiếp cận mới, góp phần xây dựng một nền báo chí coi trọng giá trị con người.
Các diễn giả trong Tọa đàm "Đưa tin về các đối tượng tổn thương tâm lý". |
Tọa đàm khép lại với thông điệp từ Đại sứ quán Canada và Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền-PGS,TS. Nguyễn Ngọc Oanh: mỗi bài báo không chỉ là một tác phẩm thông tin mà còn có thể trở thành "liều thuốc" chữa lành, tạo động lực và thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội, mở ra những hướng đi mới trong việc xây dựng một nền báo chí nhân văn, lấy con người làm trung tâm.
Các chuyên gia và diễn giả chụp ảnh lưu niệm với sinh viên, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Các nội dung chính được trình bày tại tọa đàm tập trung vào ba nhóm chủ đề:
Hiểu biết về tổn thương tâm lý:
- Nhận biết tác động của sang chấn, đặc biệt đối với trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương.
- Tạo môi trường hỗ trợ và an toàn trong quá trình tiếp xúc với nhân vật.
Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp:
- Tuân thủ nguyên tắc "không gây hại" (Do No Harm) và ưu tiên cách tiếp cận lấy nhân vật làm trung tâm.
- Tôn trọng quyền riêng tư, bảo vệ danh tính và luôn đảm bảo sự đồng thuận từ nhân vật.
Kỹ thuật tác nghiệp nhạy cảm:
- Sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, đặt câu hỏi không xâm phạm và tránh làm tổn thương nhân vật.
- Kết hợp kể chuyện nhân văn với cung cấp bối cảnh rộng hơn từ các chuyên gia.