Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội:

Để nữ sinh Song Toàn chuyển trường không phải là cách hay

Để nữ sinh Song Toàn chuyển trường không phải là cách hay
TPO - Việc em Song Toàn phải chuyển trường sau khi lên tiếng việc giáo viên dạy Toán im lặng suốt ba tháng liệu có phải cho thấy sự thất bại trong giáo dục?

Tại buổi tọa đàm trực tuyến 'Bạo lực học đường-Góc nhìn thẳng' do Báo Tiền phong tổ chức chiều 11/4, Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, từ những vụ việc trong thời gian qua cho thấy, sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra ở mỗi học sinh mà diễn ra ở cả giáo viên, phụ huynh. 

Bà Minh cho rằng, qua việc phản ánh của nữ sinh Song Toàn, chúng ta phải tháo gỡ tận gốc vấn đề và phải giữ em Song Toàn ở lại vì không thể để cái xấu lấn át cái tốt.

“Trách nhiệm đầu tiên là của ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường phải giữ em ấy ở lại. Bài học ở đây là phải làm sao chúng ta thấy được cái đúng, cái chưa đúng, cái chưa đồng thuận trong thời gian vừa qua.  Cách chuyển trường không phải là cách hay. Em đã dũng cảm thì nên dũng cảm tiếp để thay đổi môi trường giáo dục”- bà Minh quan điểm 

Bà Minh cũng cho rằng, tất cả tình huống diễn ra trong thời gian gần đây là những hiện tượng cho xã hội nhìn thấy sự lệch chuẩn trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có những giải pháp sâu xa, giải quyết căn cơ bản chất của vấn đề để tháo gỡ.

“Sự chủ động trong công tác quản lý phải đề cao hơn. Vai trò, sự tự chủ của nhà trường được thể hiện ở cả vấn đề dân sự và tự chủ trong vấn đề tuyển dụng nhưng thực tế có đáp ứng được vấn này hay không. Tôi nghĩ rằng sự tự chủ và vấn đề bạo lực học đường cũng như sự chủ động của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được thể hiện mạnh mẽ hơn”- bà Minh nói.

Cũng theo bà Minh, hiện bạo lực học đường đang diễn ra từ hình thức này sang hình thức khác nhưng tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó. 

“Tôi cho rằng rất nhiều vấn đề chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi, đến chốn, như giải quyết đến tận cùng của vấn đề. Phải giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường, trong đó có ứng xử của học sinh, ứng xử của phụ huynh, ứng xử của nhà trường và quan trọng là sự phối hợp của nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục”- bà Minh nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG