Để xảy ra cháy nổ: Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp thực tiễn

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) nhắc lại tình hình cháy, nổ diễn biến rất phức tạp vừa qua, như vụ cháy tại Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết. Ông Thuận đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.

“Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là với những tai nạn, sự cố xảy ra hằng ngày, chưa đến mức xem là “thảm họa”, thiên tai lớn là yêu cầu cấp thiết”, ĐB đoàn Cần Thơ nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) viện dẫn thực tế trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định 1.009 vụ để xác định nguyên nhân. Trong đó, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%. Cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm 26,9%. Từ đó, ĐB đề nghị dành sự quan tâm thoả đáng đến công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về PCCC.

Theo ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định), PCCC là trách nhiệm của toàn dân và lực lượng chuyên trách là nòng cốt. “Đã là trách nhiệm toàn dân thì công đoạn nào có thể xã hội hoá được thì nên xã hội hoá. Những khâu then chốt trong công tác PCCC thì lực lượng chuyên trách đảm trách - đây là yêu cầu rất cao. Một mặt đề cao tiêu chuẩn kỹ thuật, tính tuân thủ, nhưng mặt khác phải xã hội hoá, tránh tình trạng đề cao tiêu chuẩn nhưng trở thành “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện”, ĐBQH Lê Kim Toàn cho hay.

Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi bên lề kỳ họp ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, tại một số thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội, đã xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết. Vấn đề liên quan đến PCCC đã được thảo luận nhiều, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo ông, tới đây cần phải có quy định cụ thể hơn trong PCCC, vì đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cũng là trách nhiệm của toàn dân.

“Các vụ cháy gần đây thường xảy ra ở những chung cư mini, khu nhà trọ bình dân, chưa đảm bảo quy định PCCC. Đặc biệt, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất rất dễ xảy ra cháy nổ do phải tận dụng không gian tối đa cho mục đích kinh doanh, nên sẽ hạn chế không gian dành cho thoát hiểm cũng như bố trí công cụ cứu hộ khác. Thực tế, ở các đô thị Việt Nam, hầu hết mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy”, ông Hòa cho hay.

Để xảy ra cháy nổ: Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1

Hiện trường vụ cháy nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh tại Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) làm 14 người chết. Ảnh: Thanh Hà.

Ông Phạm Văn Hòa kiến nghị phải xây dựng các chương trình phổ biến, tuyên truyền về việc ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra. Đặc biệt, những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cần phải có quy định rạch ròi, cụ thể, rõ ràng. Nếu không đáp ứng được những điều kiện, quy định PCCC sẽ không được phép sản xuất, kinh doanh. Nói về trách nhiệm người đứng đầu, ông Hòa cho rằng, cần đưa thêm chi tiết này vào Luật để quy định rõ hơn về trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các cấp để việc xử lý công minh, khách quan hơn.

Cùng chia sẻ bên lề kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm xảy ra, giải pháp cấp bách trước mắt cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, yêu cầu trang bị thiết bị; đồng thời coi trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, và bắt buộc phải có tập huấn về PCCC.

Về trách nhiệm quản lý, bà Nga nhận định, cháy nổ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về PCCC. “Nếu chính quyền địa phương không buông lỏng quản lý thì đã không xảy ra cháy nổ”, nhấn mạnh điều này, bà Nga cho rằng, cùng với việc quy trách nhiệm, phải xử lý rốt ráo tình trạng xây dựng sai phép. Theo bà, nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý nhà nước cũng như rà soát thẩm định thì chúng ta chỉ cứ tuyên truyền rồi mọi việc lại như cũ.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện; nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện.

MỚI - NÓNG
Bình luận