Đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT: Chưa ngã ngũ

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT: Chưa ngã ngũ
TPO - Trước đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa quản lý nhà nước về trình độ cao đẳng về Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng đề xuất này thiếu cơ sở khoa học. Tuy nhiên, hôm qua, 17/5, Hiệp hội đã có văn bản phản biện lại ý kiến này.

Như Tiền Phong đã đưa tin, vừa qua, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) có 2 kiến nghị quan trọng gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đó là Quốc hội sớm điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp theo các định hướng đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học; đổi tên Luật Giáo dục Nghề nghiệp thành Luật Giáo dục Nghề với các trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề; khuyến khích phát triển trung học nghề, chấp nhận sự tương đương giữa hai bằng trung học phổ thông và trung học nghề nhằm phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở.

Nội dung nữa là đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ GD&ĐT.

Trong Công văn gửi Bộ Nội vụ về việc trả lời Hiệp hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) khẳng định hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực.

Thực tế cho thấy, giai đoạn trực thuộc Bộ GD&ĐT, đặc biệt, trước khi chuyển lại Bộ LĐTB&XH, lĩnh vực dạy nghề phát triển rất hạn chế.

Cùng với những minh chứng thuyết phục từ thực tiễn, Bộ LĐTB&XH cũng đưa ra các căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học và xu hướng quốc tế khẳng định việc giữ ổn định hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo hiện hành rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Từ đó, Bộ LĐTB&XH cho rằng, những kiến nghị của Hiệp hội tuy được đề xuất với mong muốn hoàn thiện thêm hệ thống giáo dục đào tạo, nhưng còn thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước và chưa đúng với Hiến pháp.

Hôm qua, Hiệp hội đã phản biện lại ý kiến của Bộ LĐTB&XH.

Hiệp hội cho rằng kiến nghị của Hiệp hội xuất phát từ một thực tế là kể từ khi tiếp nhận vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng (năm 2015) Bộ LĐTB&XH đã không làm tròn vai trò quản lý Nhà nước của mình; thậm chí còn liên tiếp mắc phải ít nhất hai sai lầm nghiêm trọng.

Một là, chỉ sau một thời gian ngắn, Bộ LĐTB&XH đã vội vàng nâng cấp hoặc mở mới hàng trăm trường cao đẳng nghề trong khi vẫn duy trì chương trình đào tạo của hệ thống trường này ở mức dưới “chuẩn”, điển hình là các chương trình cao đẳng “siêu tốc”. Hậu quả là có nguy cơ nguồn nhân lực cao đẳng đào tạo ra sẽ không được thế giới công nhận.

Hai là, Bộ LĐTB&XH đã loại bỏ hoàn toàn các chương trình cao đẳng chuyên nghiệp (vốn có ở các trường cao đẳng chuyên nghiệp trước khi chuyển vai trò quản lý Nhà nước từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐTB&XH). Điều này làm thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, gây méo mó cho cơ cấu nhân lực cần thiết để bảo đảm cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến triển thuận lợi.

Hiệp hội cũng khẳng định Bộ LĐTB&XH lập luận loanh quanh đối với sai lầm đầu và bỏ qua không nhắc đến sai lầm thứ hai, cho dù hậu quả do cả hai sai lầm đều ở mức nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.