Đề xuất thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng này do ngân sách Nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo

Ngày 28/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng này để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, không phát sinh thủ tục hành chính; đồng thời cần đánh giá cụ thể mô hình tổ chức, người tham gia để không bị lãng phí nguồn nhân lực; việc bố trí lực lượng cần tính toán đến đặc thù khác biệt giữa thành thị và nông thôn.

Tiếp thu ý kiến, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.

Đề xuất thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nếu giao địa phương quyết định số lượng Tổ bảo vệ ANTT, số lượng các chức danh Tổ bảo vệ ANTT sẽ dẫn đến tăng số lượng, đề nghị cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý.

Theo Thường trực UBQPAN, nếu quy định “cứng” về khung về số lượng tổ, số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ ANTT sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau. Do đó, dự thảo luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tiễn để quyết định số lượng Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Về kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay. Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi…

Thường trực UBQPAN cho biết, Chính phủ đã bổ sung đánh giá tác động chính sách của dự án luật, bổ sung thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay.

Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này. Dự thảo luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo luật.

Về nguồn kinh phí, Thường trực UBQPAN đã tiếp thu vào dự thảo luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng này do ngân sách Nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đề xuất thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách ảnh 2

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Đề nghị thống nhất ba lực lượng

Khẳng định sự cần thiết trong việc ban hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo ANTT ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Địa bàn cơ sở có an ninh trật tự tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị xem xét thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo. Đồng thời điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ngoài ra, còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đây sẽ là con số chi khá lớn.

Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các cấp có thẩm quyền. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng được bồi dưỡng. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương. Qua đó, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự so bì ở địa phương.

Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

MỚI - NÓNG