Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: 'Nếu thu, mức phí phải phù hợp thực tế'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nói về đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quản lý, thu phí trên các tuyến cao tốc phải đồng bộ, phù hợp quy định chung; nếu phải thu thì mức thu nên phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng chịu đựng của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Vân cho biết, cao tốc được đầu tư bằng ngân sách có mục tiêu là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành có cao tốc đi qua. Nhiều năm qua, Nhà nước đã bỏ các trạm thu phí để thu qua quỹ bảo trì hằng tháng, việc người dân, doanh nghiệp đóng phí bảo trì là đã đóng phí sử dụng đường được đầu tư bằng ngân sách. Do vậy việc quản lý, thu phí trên các tuyến cao tốc cũng phải đồng bộ, phù hợp quy định chung, tránh quy định thế này, lại thực hiện thế kia. Việc thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước phải được trình cơ quan có thẩm quyền, được bàn luận kỹ tại các ban chuyên môn của Quốc hội, nếu thấy phù hợp quy định, không vênh với Luật Phí và lệ phí thì mới được trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: 'Nếu thu, mức phí phải phù hợp thực tế' ảnh 1

Đại biểu QH cho rằng, thu phí trên cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ không đảm bảo mục tiêu giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Anh Trọng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, do các tuyến cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước vừa qua trong đó có cao tốc Bắc Nam đều được làm mới và chạy song song với quốc lộ hiện hữu. Do đó, người dân có quyền lựa chọn. Cũng do đường được làm mới hoàn toàn nên Nghị quyết của Quốc hội về việc đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam trong đó có các dự án cao tốc phía Đông, Quốc hội đã có chủ trương đồng ý để Bộ GTVT xây dựng phương án thu phí. Mục đích của việc này là có nguồn lực đầu tư cho các dự án tiếp theo, giảm gánh nặng cho ngân sách; cùng với đó là có ngân sách để đảm bảo duy tu, bảo trì tuyến đường. Khi thu phí, chủ xe có điều kiện tính toán, cân đối chi phí để có thể đi cao tốc hay quốc lộ hiện hữu. Tuy nhiên, mức phí mà Quốc hội mong muốn là phải phù hợp với điều kiện thực tế của người dân, thời gian thu tránh kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Thu phí trên cả 9 tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài 4 dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư bằng ngân sách đã đưa vào hoạt động là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, trong phương án đề xuất thu phí, Bộ GTVT vừa lên phương án thu phí thêm ở các dự án cao tốc Bắc - Nam cũng được đầu tư bằng ngân sách gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2. Tổng cộng có 9 dự án với tổng chiều dài hơn 650 km.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mức phí sử dụng đường bộ được Bộ GTVT lên phương án thu trên cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Thanh Hóa đi Nghệ An là 1.500 đồng/km; từ năm 2024 đến năm 2027 thu 1.700 đồng/km. Trong giai đoạn đầu thu phí từ nay đến năm 2024, mức phí đang cao hơn cả mức phí thu tại các tuyến cao tốc nằm trên cùng hành trình Bắc - Nam được đầu tư bằng hình thức BOT (như Pháp Vân - Cầu Giẽ: 1.500 đồng/km; Cầu Giẽ - Ninh Bình:1.200 đồng/km).

MỚI - NÓNG