Đêm nhạc kịch kể về 3 người phụ nữ của nhà thơ Lưu Quang Vũ

TPO - Đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 75 năm sinh nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ diễn ra vào 20h ngày 16/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với chủ đề "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi", lần đầu 4 ca khúc mới phổ thơ Lưu Quang Vũ được công bố. Vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt" phiên bản Lucteam cũng được trình diễn.

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là tác giả trẻ nhất được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000. Xuân Quỳnh - bạn đời của Lưu Quang Vũ - cũng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Năm nay tròn 35 năm, cặp vợ chồng tài hoa từ biệt cõi người.

Đêm nghệ thuật tưởng nhớ và tôn vinh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được dàn dựng công phu quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSƯT Lê Chức, NSND Lê Khanh, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tạ Tuấn Minh, diva Mỹ Linh, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Lê Tâm, đạo diễn âm nhạc - nhạc sĩ Trần Đức Minh, tổng đạo diễn NSƯT Trần Lực, chỉ đạo nghệ thuật - NSƯT Đỗ Kỷ, thiết kế sân khấu - NSƯT Doãn Bằng...

Đêm nhạc kịch kể về 3 người phụ nữ của nhà thơ Lưu Quang Vũ ảnh 1

Một số nghệ sĩ tham gia chương trình (từ trái sang): Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, NSƯT đạo diễn Trần Lực, nhạc sĩ Trần Đức Minh.

Chương trình được chia thành 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật, chương trình tái hiện cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của kịch tác gia tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam ở thời đổi mới.

Chương một Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ nói về tính công dân trong thơ Lưu Quang Vũ. Các nhà nghiên cứu văn học một lần nữa khẳng định trăn trở của Lưu Quang Vũ với “hồn dân tộc”. Trong bài thơ Nói với mình và các bạn, ông từng khẳng định: “Thơ không phải là chứng minh/ Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương/Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời, không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều…”.

Các thi phẩm sẽ vang lên trong phần này: Việt Nam ơi, Trung Hoa, Người cùng tôi. Ở phần kết chương, giọng ca từng là hiện tượng The Voice Kids Bùi Hà My sẽ thể hiện các ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến Mắt một mí. Đây là lần thứ hai Nguyễn Vĩnh Tiến góp mặt vào đêm nghệ thuật tưởng nhớ đôi vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Chương 2 Anh yêu em và anh tồn tại sẽ nhắc tới 3 người phụ nữ ảnh hưởng tới cuộc đời, cũng như để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ.

Với diễn viên điện ảnh Tố Uyên, nhà thơ đã trao cho bà tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có quá nhiều điều không hòa hợp. Vườn trong phố với những câu thơ nổi tiếng: “Trong thành phố có một vườn cây mát/Trong triệu người có em của ta” Lưu Quang Vũ viết tặng người vợ đầu, khi hai người còn gắn bó.

Đêm nhạc kịch kể về 3 người phụ nữ của nhà thơ Lưu Quang Vũ ảnh 2

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm (giữa) đóng góp 2 ca khúc Nhà chậtPhố ta. Ảnh: BTC

Người thứ hai là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - tri kỷ của ông trong những “tháng năm đau xót và hy vọng”, những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật. Trong bài thơ Gửi Hiền, mùa Đông, ông đã viết: “Phút bàng hoàng nhớ hết mọi buồn đau/Tôi khóc trên tay em lặng lẽ/Tôi sợ lắm, mùa đông sương buốt thế/Em có là mãi mãi để tôi yêu”.

Xuân Quỳnh có 15 năm bên cạnh Lưu Quang Vũ, cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp. Khi gặp Xuân Quỳnh vào năm 1973, tình yêu của ông trọn vẹn, trưởng thành, đằm thắm, với những cung bậc phong phú nhất, từ lãng mạn, đắm say, đến giản dị, đời thường…

Chương 3 một lần nữa tái diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt theo phong cách biểu hiện - ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Chương kết Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi giới thiệu ca khúc Nhà chật - Nguyễn Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ - kể lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lãng mạn và yêu thương trong căn phòng 6 m2 của gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Mỹ Linh kết thúc chương trình với Thuyền và biển (nhạc Phan Huỳnh Điểu) và ca khúc chủ đề do Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác.

Đêm nhạc kịch kể về 3 người phụ nữ của nhà thơ Lưu Quang Vũ ảnh 3

Đêm nghệ thuật tưởng nhớ Lưu Quang Vũ có sự góp mặt của những gương mặt gia đình, bè bạn. Ảnh: BTC

Ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng BTC đêm thơ nhạc kịch Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ - cho biết: “Di sản nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại rất đồ sộ. Những năm vừa qua, gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ anh đã làm nhiều chương trình nghệ thuật khác nhau, nhưng mới chỉ mang tới khán giả một phần rất nhỏ trong số di sản đó.

Người yêu thi ca hay nhắc tới anh với những bài thơ tình say đắm, lãng mạn, nhưng Lưu Quang Vũ còn có loạt tác phẩm với đầy cảm xúc công dân, tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ trước các vấn đề lớn của xã hội, tình thương dành cho những con người nhỏ bé, yếu thế. Tại chương trình này, lần đầu những tác phẩm như thế sẽ được trình diễn trên sân khấu”.

NSƯT Trần Lực, tổng đạo diễn của đêm thơ - nhạc - kịch “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” chia sẻ: “Tôi cùng sân khấu Lucteam rất vinh dự và hạnh phúc khi tham gia dự án lần này, tôi và gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng rất thân thiết, coi nhau như người nhà, bất cứ chương trình nào để tưởng nhớ anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh, chỉ cần gia đình có lời tôi sẵn sàng tham gia.

Từ bé, tôi đã xem kịch của anh Vũ rất nhiều, trong đó Hồn Trương Ba da hàng thịt tôi xem ở Liên Xô cũ khi còn đang là sinh viên. Trong liên hoan kịch quốc tế tại Mátxcơva 1990, vở diễn do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng có phong cách khác hẳn các vở khác đã đoạt Huy chương Vàng”. Đặt ra những vấn đề nóng hổi, có phần đi trước thời đại, vở kịch được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu của Lưu Quang Vũ từng bị từ chối dàn dựng trong suốt 5 năm.

Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa (1968).

Từ 1978 đến 1988, Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước. Có những mùa hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần như chỉ dùng kịch bản của ông… Ngày 29/8/1988, vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương, trên đường đi dựng kịch trở về.

Tin liên quan