Theo GS. TS Lê Quân – Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, với vị thế tiên phong trong hệ thống giáo dục quốc gia cũng như định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG Hà Nội luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
GS. TS Lê Quân. |
Ông Lê Quân mong muốn hai bên phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương. Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của VNPT (ngắn hạn và dài hạn). Đồng thời, hỗ trợ về tuyển dụng, cung cấp nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực theo nhu cầu của VNPT.
Về nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức, GS Lê Quân đề xuất, hai bên phối hợp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu, tự động hóa…
Cùng với đó, VNPT hỗ trợ ĐHQG Hà Nội trong việc triển khai một số nhiệm vụ, chương trình, đề án khoa học công nghệ quốc gia: Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Chương trình KHCN phát triển Kinh tế - Xã hội vùng ven biển, Hệ Tri thức Việt số hóa…
GS Lê Quân cũng đề xuất VNPT tài trợ “không gian xanh” ở Khu đô thị ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc và thành lập quỹ học bổng nhằm hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh và các công bố quốc tế ở ĐHQG Hà Nội.
Tổng Giám đốc VNPT - Huỳnh Quang Liêm. |
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc VNPT đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai bên. Mặc dù chưa ký kết văn bản hợp tác chính thức nhưng các đơn vị thành viên đã hợp tác tích cực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ.
Trên cơ sở các nội dung hợp tác sẵn có, hai bên tiếp tục thảo luận nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số nền giáo dục, y tế Quốc gia. Theo đó, VNPT hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số còn ĐHQG Hà Nội đảm nhiệm về chuyên môn.
Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp triển khai bồi dưỡng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở để đáp ứng chuẩn chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, ĐHQG Hà Nội đảm bảo về mặt chuyên môn, nhân sự, còn VNPT hỗ trợ về mặt hạ tầng, kỹ thuật, đường truyền, an ninh mạng…
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng chia sẻ và hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ở ĐHQG Hà Nội (hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, mạng viễn thông…). VNPT cũng sẽ xem xét hỗ trợ chương trình phát triển đại học số, đại học thông minh ở ĐHQG Hà Nội.
Mới đây, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng khó khăn, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Dự kiến kênh sẽ được ra mắt vào giữa tháng 9 tới.
ĐHQG Hà Nội hiện có gần 50.000 học viên và gần 500 chương trình đào tạo đại học, sau đại học.