Đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024: Hàng không nhờ đường sắt, đường bộ 'chia lửa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Còn chưa tới 2 tháng là Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, người lao động khu vực phía Nam muốn về quê phía Bắc đón Tết bằng máy bay sẽ phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng cho 1 vé khứ hồi. Trước việc giá vé máy bay tăng cao, số lượng máy bay sụt giảm do có hãng gặp khó khăn, lần đầu tiên hàng không chủ động nhờ đường sắt, đường bộ “chia lửa”, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hết thời máy bay giá rẻ

Anh Nguyễn Văn Hưng (ở quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay, anh và gia đình chưa về Nghệ An thăm bố mẹ và họ hàng. Tết này, anh tính đưa cả nhà về quê, cả tháng nay anh tuần nào cũng theo dõi giá vé máy bay, nhưng chỉ thấy tăng không giảm.

“Khi mới mở bán thấy giá vé máy bay chỉ khoảng 2,5 triệu đồng mỗi vé 1 chiều, nay đã lên hơn 3,5 triệu đồng. Với giá vé máy bay các hãng đang bán, phải chờ xem các hãng có tăng chuyến và bán thêm vé rẻ mới dám mua về quê. Nhà mình 4 người, giá vé máy bay hiện nay, sẽ mất khoảng 14 triệu đồng cho 2 vợ chồng và 12 triệu đồng cho 2 đứa nhỏ, tổng khoảng 26 triệu đồng, nguyên một tháng thu nhập của cả 2 vợ chồng”, anh Hưng nói.

Đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024: Hàng không nhờ đường sắt, đường bộ 'chia lửa' ảnh 1

Vé máy bay dịp Tết Nguyên đán tăng cao

Khảo sát trang bán vé máy bay trực tuyến của các hãng ngày 14/11 cho thấy, vé máy bay đi lại dịp Tết Nguyên đán sắp tới đang duy trì mức rất cao chiều cao điểm (Nam ra Bắc trước Tết và ngược lại sau Tết). Cụ thể, trước Tết, vé bay từ TPHCM đi Hà Nội trong thời gian từ ngày 1-9/2/2024 (tức ngày 22 tới 30 tháng Chạp), giá rẻ nhất cũng xấp xỉ 3 triệu đồng/vé/chiều trở lên (đã gồm thuế, phí). Dù vậy, với mức giá vé thấp nhất này, khách phải chấp nhận bay giờ đêm muộn (sau 21h), nếu bay các chuyến ngày phải từ 4 triệu đồng/chiều trở lên, thậm chí nhiều chuyến chỉ còn vé thương gia giá xấp xỉ 10 triệu đồng/chiều (hết vé phổ thông).

Tin từ ngành đường sắt cho hay, tới nay, vé tàu khách dịp Tết Nguyên đán năm 2024 đã bán được khoảng 70.000 vé. Trong đó, giai đoạn cao điểm trước Tết bán được hơn 36.000 vé, giai đoạn cao điểm sau Tết bán được 34.000 vé. Các đoàn tàu bán được nhiều vé tập trung giai đoạn từ ngày 3-7/2/2024 (tức từ 24-27 tháng Chạp năm Âm lịch). Chặng bán được nhiều vé nhất tập trung vào tàu từ phía Nam đi miền Trung giai đoạn trước Tết và ngược lại giai đoạn sau Tết.

Với chặng TPHCM đi Đà Nẵng các ngày từ 2-8/2/2024, giá vé cũng từ 2 triệu đồng/chiều trở lên cho chuyến bay đêm, bay chuyến ngày phải từ 2,5 triệu đồng/chiều trở lên. Chặng hạn TPHCM đi Vinh (Nghệ An), Thanh Hoá, Hải Phòng, Đồng Hới (Quảng Bình) từ ngày 29/1 - 10/2/2024, dù một số hãng đã mở bán vé cả chuyến tăng cường, nhưng giá vé cũng lên tới 3,5 triệu đồng/chiều trở lên.

Giai đoạn cao điểm sau Tết, khách tập trung các đường bay từ Bắc vào Nam, nên cũng đẩy giá vé lên cao tương đương chiều ngược lại giai đoạn trước Tết. Cụ thể, Hà Nội đi TPHCM từ ngày 14-20/2/2024, giá vé từ 3 triệu đồng/chiều trở lên; các chặng từ Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Quảng Bình đi TPHCM giai đoạn từ ngày 12-25/2, giá vé cũng từ 3,5 triệu đồng/chiều trở lên.

Với khách bay quốc tế giai đoạn Tết, trước Tết chiều từ Việt Nam đi rất rẻ, khuyến mại nhiều, bay khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/chiều. Tuy nhiên, nếu bay chiều về Việt Nam giá rất khác, như từ Singapore về Hà Nội giá lên tới hơn 5,5 triệu đồng/chiều, về TPHCM giá vé cũng xấp xỉ 3 triệu đồng/chiều. Giai đoạn sau Tết, giá vé từ Việt Nam đi đang ở mức cao, trong khi từ nước ngoài về Việt Nam lại rẻ. Điều này do trước Tết, người lao động và du học sinh Việt về nước đón Tết cùng gia đình, và đi làm, đi học lại sau Tết, đẩy nhu cầu vé máy bay tăng theo.

Đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024: Hàng không nhờ đường sắt, đường bộ 'chia lửa' ảnh 2

Hàng không Việt Nam phục hồi chậm hơn kỳ vọng

Nhờ đường sắt, đường bộ “chia lửa"

Tin từ Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho hay, trong 1 tháng Tết Nguyên đán sắp tới (từ 25/1 - 24/2/2024), dự kiến các hãng sẽ khai thác và cung ứng khoảng 5,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa (tăng 4% so với Tết năm trước và tăng 69% so với ngày thường). Trên mạng bay quốc tế, các hãng cung ứng khoảng 2,1 triệu vé, tăng gần 37% so với Tết năm trước, và tăng 17% so với ngày thường. Các hãng dự kiến sẽ khai thác khoảng 213 máy bay để khai thác lịch bay dịp Tết sắp tới.

Một số chuyên gia hàng không cho biết, giá vé máy bay Tết năm nay tăng cao một phần do chi phí tăng (nhiên liệu, lãi suất, tỷ giá, nhân công); một phần do các hãng khó khăn không còn khả năng khuyến mại, giảm giá vé.

Một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, sau giai đoạn dịch COVID-19, các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các tác động của giá nhiên liệu, tỷ giá, bất ổn chính trị trên thế giới... khiến hàng không Việt phục hồi chậm hơn kỳ vọng, doanh thu không bù đắp được chi phí. Để tồn tại, các hãng phải tái cơ cấu, tập trung vào tinh gọn bộ máy, giảm số lượng máy bay, bổ sung vốn, giảm chi phí; hoặc chưa tăng số lượng máy bay.

Trong các hãng, hiện Bamboo Airways đối mặt nhiều khó khăn nhất. Hiện hãng này tập trung tổ chức lại mô hình, tái cấu trúc đội máy bay, giảm quy mô khai thác. Do đó, Bamboo Airways đã và sẽ trả một số máy bay không phù hợp định hướng mới và dừng khai thác các đường bay kém hiệu quả. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, theo kế hoạch, đội máy bay của Bamboo Airways sẽ giảm từ 29 chiếc xuống còn 11-13 chiếc trong giai đoạn tới. Nhà chức trách hãng không vẫn tiếp tục duy trì chương trình giám sát đặc biệt với hãng này.

Việc một số hãng hàng không khó khăn buộc phải thu hẹp, giảm số lượng máy bay khai thác, dẫn tới số lượng chuyến và đường bay nội địa cũng như quốc tế bị thu hẹp. Đặc biệt, dịp cao điểm Tết sắp tới, dẫn tới giá vé máy bay bị đẩy lên cao. Do đó, Cục Hàng không dự kiến sẽ báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ tăng năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết. Đây là lần đầu tiên hàng không kiến nghị đường sắt, đường bộ “chia lửa” để giảm áp lực lên vé máy bay.

Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Hàng không cho hay, cơ quan này tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các hãng vượt qua khó khăn. Trong đó, ngoài hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế, chính sách, còn chủ động làm việc với nhà chức trách các nước để đàm phán mở đường bay, tăng tải cho các hãng ở sân bay nước ngoài; tạo thuận lợi cho các hãng thuê thêm máy bay; tăng giờ khai thác; đề xuất tăng khu giá vé máy bay nội địa; đề xuất các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, hỗ trợ lãi suất...

MỚI - NÓNG