Dịch vụ công ích: Vẫn nặng tính xin-cho

Còn nhiều tồn tại liên quan các dịch vụ công ích. Ảnh: Nhật Minh.
Còn nhiều tồn tại liên quan các dịch vụ công ích. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa khảo sát tình hình triển khai dịch vụ công ích tại nhiều tỉnh thành phố. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói, tình trạng bao cấp, xin - cho vẫn rất nặng trong lĩnh vực này.

Ông Cung cho biết:

Một chức năng của nhà nước là phải tổ chức cung ứng dịch vụ công ích như chiếu sáng, công viên, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, cấp và thoát nước…Về nguyên tắc là 100% kinh phí phải lấy từ ngân sách nhà nước. Khi đô thị phát triển, nhu cầu về dịch vụ công ích càng tăng cao. Ở những thành phố như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… càng phát triển thì nhu cầu dịch vụ công ích càng lớn. Hà Nội đang chi từ 4-5 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho dịch vụ công ích. Những tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam… hằng năm cũng chi khoảng vài trăm tỷ đồng cho các dịch vụ này. Nhưng thực ra số tiền đó cũng chưa phải là nhiều so với nhu cầu thực tế vì theo tôi đây là thị trường lên tới hàng tỷ đô la.

Về cơ chế cung cấp dịch vụ, các địa phương đang theo phương thức nào?

Phần lớn cho đến nay việc cung ứng dịch vụ công ích vẫn theo cơ chế bao cấp như cấp phát, xin-cho. Và cũng vì vậy nên rất kém hiệu quả vì không có cạnh tranh và rất kém minh bạch. Trong khi đây là dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng chục triệu người tại đô thị.

Rõ ràng là trước việc ngân sách bỏ ra càng nhiều, tác động đến đông đảo người dân thì yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu chi tiêu hiệu quả cũng đặt ra cấp bách. Không thể tiếp tục cách làm như lâu nay chúng ta vẫn làm rất nặng xin cho kiểu bao cấp. Chúng ta hiện nay đã nhìn ra thực trạng này. Trong quy định đã có 3 phương thức: Chào giá cạnh tranh, đặt hàng và đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên tỷ trọng giá trị dịch vụ được đấu thầu cạnh tranh ngay như tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn thì vẫn còn quá ít, chủ yếu vẫn theo cơ chế đặt hàng mà bản chất là chỉ định thầu.

Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy những dịch vụ được đấu thầu cạnh tranh thì chất lượng dịch vụ được nâng lên, kinh phí tiết kiệm hơn. Vậy tại sao tình trạng bao cấp trong lĩnh vực này vẫn được duy trì nhiều như vậy, thưa ông?

Tình trạng như tôi nói ở trên sẽ không thúc đẩy được sự phát triển của dịch vụ và không phát triển được kinh tế tư nhân. Làm thế nào để sử dụng tiền thuế của dân một cách hiệu quả nhất? Chúng ta phải đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên nói thì dễ mà làm thì rất khó.

Thực tế qua khảo sát của chúng tôi, ở đâu có đấu thầu cạnh tranh ở đó chất lượng được nâng lên, giảm chi phí cho ngân sách. Chúng ta phải mở được thị trường ra. Lâu nay người dân vẫn còn tâm lý tiền của nhà nước thì nhà nước tiêu. Nhà nước phải tư duy theo hướng đi mua dịch vụ. Đây là vấn đề của các địa phương vì chính sách đã có rồi. Chúng ta phải có sự chuẩn bị vì tránh tình trạng là mỗi tỉnh thành chỉ có một hai đơn vị công ích như hiện nay.

Theo ông, vì sao nhiều địa phương lại chậm mở cửa thị trường này?

Tôi phải nói là có rất nhiều lý giải, biện minh của lãnh đạo các tỉnh thành về việc này. Nhiều người thường nói “doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia là doanh nghiệp nhà nước đã làm bao nhiêu năm rồi. Mọi việc vẫn đang được triển khai đấy thôi, có vấn đề gì đâu”. Tôi phải nói thẳng là khi duy trì cơ chế đặc quyền với một vài doanh nghiệp thì tức là người ta đã gián tiếp duy trì lợi ích rất lớn tại đây. Đầu tiên là duy trì việc làm. Doanh nghiệp công ích hiện nay bản chất là cánh tay nối dài của các sở ngành, thậm chí trực thuộc một số sở ngành, UBND tỉnh, thành phố. Bao nhiêu năm nay tôi có ngân sách đưa về cho ông làm rồi. Tôi chưa nói đến chia chác lợi ích mà ngay từ tâm lý sợ mất việc làm đã khiến cho nhiều người không muốn thay đổi. Cơ chế độc quyền này chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích riêng của không ít người.

Thứ hai là nếu không có áp lực thì mấy doanh nghiệp công ích sẽ không có thay đổi, cải tiến. Người ta đã tồn tại mấy chục năm như vậy rồi nên không thấy cần phải suy nghĩ. Tôi ví dụ như chuyện chi phí cắt cỏ của Hà Nội từ 700 tỷ đồng xuống chỉ còn 140 tỷ đồng mỗi năm sau khi thay đổi cơ chế cho thấy hiệu quả thế nào.

Tôi cho rằng phải cắt cơ quan nhà nước ra khỏi đơn vị cung cấp. Doanh nghiệp công ích này phải được cổ phần hoá hoạt động theo luật như các doanh nghiệp khác, hạch toán rõ ràng và hoạt động trên cơ sở lời ăn lỗ chịu. Khi chúng ta mở rộng đối tượng tham gia thị trường thì không phải là việc làm mất đi mà sẽ mở rộng hơn vì lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Hành lang pháp lý đã đầy đủ cả, không có gì vướng mắc. Nguyên nhân tôi cho rằng đó chỉ là vấn đề lợi ích của các địa phương. Báo chí, HĐND, Mặt trận các tỉnh thành phải quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn.

Những vấn đề của dịch vụ công ích mà tôi vừa phân tích chính là ví dụ điển hình về yêu cầu muốn phát triển kinh tế tư nhân thì phải cải cách khu vực nhà nước.

Cảm ơn ông.

Dịch vụ công ích: Vẫn nặng tính xin-cho ảnh 1

 

“Thực tế qua khảo sát của chúng tôi, ở đâu có đấu thầu cạnh tranh ở đó chất lượng được nâng lên, giảm chi phí cho ngân sách. Chúng ta phải mở được thị trường ra”.

                TS Nguyễn Đình Cung

MỚI - NÓNG