Talkshow “Những sai lầm trong thiết kế” mới đây, với sự tham gia của hàng trăm sinh viên trường ĐH Văn Lang, trường ĐH Tôn Đức Thắng, với góc nhìn từ các nhà sáng tạo, nhà sản xuất giúp cho những sinh viên đang chập chững trên con đường sáng tạo, có thể nhìn thấy những chỉ dẫn hữu ích.
Chỉ đẹp là không đủ
Là một nhà sản xuất nội thất lớn, từng du học thiết kế tại Ý và làm việc tại Mỹ, ông Phạm Chân Quang – Giám đốc Tân Thành Furniture kể lại câu chuyện gặp gỡ với Enzo Ferrari, nhà sáng lập kiêm thiết kế, ngay tại bảo tàng của hãng Ferrari lừng danh: “Chiếc xe nào ông thấy đẹp nhất?”. Enzo đáp ngay lập tức: “Bản thiết kế đẹp nhất chưa ra đời, nó sẽ là chiếc xe kế tiếp”.
Mỗi tác phẩm xe “siêu hạng” của Ferrari ra đời, Enzo luôn là người trải nghiệm đầu tiên, để cảm nhận và chuẩn bị cho một phiên bản khác hoàn hảo hơn. Nhưng sự nỗ lực hoàn thiện thẩm mỹ là mãi mãi, không có giới hạn. Sản phẩm hoàn thiện và đẹp nhất luôn ở tương lai.
Ông Quang đưa ra lời khuyên với các nhà thiết kế trẻ: “Tất cả sản phẩm khi đi đến nhà sản xuất đều phải hội tụ 3 yếu tố: thẩm mỹ - công năng – giá bán. Lỗi đầu tiên thường thấy là nhà thiết kế quá yêu thẩm mỹ của mình, ai chê là… giận. Khi đặt quá nhiều tình yêu vào nó, tức là tự “đóng lỗ tai” trước phản hồi từ xung quanh, không biết được sự hợp lý hay bất hợp lý của sản phẩm. Kách hàng không hẳn ai cũng cảm nhận cái đẹp của sản phẩm như mình vì “cái đẹp nằm trong mắt người xem”. Khi hiểu vì sao khách hàng không cảm nhận như mình, nhà thiết kế mới biết thay đổi để đẩy cái tầm của mình lên”.
Tuy nhiên, theo ông Quang, chỉ đẹp thôi là không đủ. Nhà thiết kế trẻ nay thiếu trải nghiệm sản phẩm, vì vậy không đáp ứng được yếu tố công năng trong sản phẩm. “Đa phần việc học thiết kế của sinh viên hiện nay chủ yếu bằng mắt, thay vì học bằng trải nghiệm. “Các chương trình về thiết kế trên YouTube, NetFlix, Printerest... không giúp bạn trẻ trở thành nhà thiết kế, kiến trúc sư. “Tôi thấy cái ghế đó rồi” là câu thường thấy, thay vì “Tại sao nó lại như vậy?”. Chỉ có trải nghiệm mới cho chúng ta biết sự khác nhau trong từng chiếc ghế”.
Giải mã những “ám ảnh”
Các diễn giả cho rằng, điểm mạnh của các nhà thiết kế trẻ hiện nay: Càng ngày các bạn càng hiểu hơn về công năng sản phẩm, thực chất hơn trong ý tưởng. Tuy nhiên, sự thiếu trải nghiệm khiến họ luôn loay hoay với nhiều câu hỏi.
“Tụi mình luôn băn khoăn việc tìm ý tưởng sáng tạo từ đâu? Cái này ở trường không được học”, Minh Tú (trường ĐH Tôn Đức Thắng) tâm sự. Theo KTS Phạm Nhân Thọ ( tho.A atelier) cho rằng, ý tưởng sáng tạo là chính bản thân nhà thiết kế. “Khi ta có nền tảng, ý tưởng nằm ở chính bên trong mình, không cần tìm ở đâu hết. 10 năm trước, khi tốt nghiệp ra trường, việc đầu tiên tôi làm là không vào bất cứ trang mạng về hình ảnh nào. Đó là quyết định vô cùng khó khăn. Lúc đó tôi muốn chối bỏ tất cả những hình ảnh định sẵn bên ngoài để học lại từ đầu và xây lại từ bên trong. Nội lực khiến cho nhà thiết kế vẽ cái gì cũng đúng, không nội lực vẽ cái gì cũng sai. Tìm ý tưởng không phải là nhìn bên ngoài: Lá rơi, hòn đá, sợi dây... Quan trọng nhất là xây dựng nền tảng bên trong (kiến thức chuyên môn, vốn văn hóa, vốn sống...). Khi đó, chính ta là ý tưởng”.
Không ít nhà thiết kế luôn sợ hãi rằng thiết kế của mình… trùng với ai đó và bị cho là “ăn cắp ý tưởng” mà không sao giải thích được. KTS Phạm Nhân Thọ cho rằng: “Thông thường chiến thuật thiết kế luôn đi từ lớn đến nhỏ hoặc ngược lại (micro - macro) và luôn sinh ra từ một ý niệm nào đó. Các nhà thiết kế nổi tiếng luôn có rất nhiều sản phẩm giống nhau nhưng sự khác biệt là mỗi người luôn có sự thống nhất riêng trong nội lực sáng tạo, tạo nên phong cách riêng. Sự đạo nhái nảy sinh là do nhà thiết kế không kiên tâm trong quan điểm thẩm mỹ, lỏng lẻo về kiến thức, yếu lòng về… Tiêu chí để xác định một tác phẩm “đạo nhái” hay không chính là sự không thống nhất về đường nét, bố cục trong tổng thể tác phẩm”.
Nhà thiết kế giỏi là người biết xây dựng câu chuyện chứa bên trong tác phẩm. Câu chuyện là yếu tố quan trọng thuyết phục nhà thiết kế tin và kiên trì vào ý tưởng mình đang theo đuổi. Là cái riêng và duy nhất của cá nhân, tạo cho cho người dùng sự đồng cảm. Sản phẩm không chỉ là vật chất hiện hữu mà còn là ngôn ngữ kể chuyện. Nhiều nhà thiết kế đã sai lầm khi quên mất điều này.