Doanh nghiệp 'khát' công nhân sau Tết

Thông báo tuyển dụng không thu hút được sự chú ý của người lao động
Thông báo tuyển dụng không thu hút được sự chú ý của người lao động
TP - Tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM và Đồng Nai, không khí làm việc đầu năm khá ảm đạm, nhiều công ty chỉ có vài công nhân tới làm việc. Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội nói rằng, sau Tết Tân Mão, họ thiếu lao động trầm trọng hơn Tết trước.
Thông báo tuyển dụng không thu hút được sự chú ý của người lao động
Thông báo tuyển dụng không thu hút được sự chú ý của người lao động . Ảnh: Nguyễn Hiền

TPHCM: Hạ chuẩn đầu vào, tăng lương nhưng vẫn khó tuyển dụng

Tấm băng rôn Chúc mừng năm mới chưa kịp tháo xuống, Cty Hoa Tiến ở Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình đã phải vội vàng treo lên tấm biển thông báo tuyển dụng lao động.

Hạ chuẩn đầu vào, tăng phúc lợi… là những kế sách được nhiều Cty đưa ra nhằm thu hút lao động trong thời điểm này. Cty Dệt may Thắng Lợi cho biết, ứng viên chỉ cần biết may cũng được nhận vào làm, Cty May Nhật Minh cũng chỉ yêu cầu ứng viên có trình độ văn hoá lớp 6, không cần kinh nghiệm.

Cty TNHH May thêu giày An Phước cho biết sẽ nhận tất cả ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển mà không đưa ra bất cứ yêu cầu nào. Cty Decotex cho biết, ngoài chế độ bảo hiểm Cty bao cơm, có lương tháng 13, quà, thưởng vào các dịp sinh nhật, lễ, tết… nhiều công ty khác còn có chế độ hỗ trợ tiền nhà trọ, thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, tiền giới thiệu công nhân vào làm việc, bao vé xe về quê ăn Tết… Tuy nhiên, số lượng lao động nộp hồ sơ vẫn rất ít.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX, KCN) TPHCM, cho biết, do 65% công nhân tại các KCX, KCN tại TPHCM là lao động nhập cư nên thời điểm này, nhiều công nhân chưa thể trở lại làm việc do bị kẹt tàu xe. Theo ông Định, thống kê 2 ngày làm việc đầu năm cho thấy có những doanh nghiệp mới chỉ có 52% công nhân trở lại làm việc.

Tuy nhiên, không ít công nhân là người dân TPHCM cũng có xu hướng nhảy việc vào thời điểm sau Tết. Anh Tân (nhà ở quận 9, công nhân làm việc tại KCN Sóng Thần) nói: “Tết xong, nhiều Cty đăng tin tuyển dụng, mình cũng ghé qua xem thử, thấy ở đâu có chế độ tốt thì chuyển. Chứ tội gì mà cứ ở mãi một chỗ rồi nhận lương thấp”.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM dự báo, trong tháng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vào khoảng 40.000. Các ngành nghề có nhu cầu cao bao gồm dệt - may, da - giày, điện tử - viễn thông, cơ khí- luyện kim, bán hàng...

Đồng Nai: Doanh nghiệp cần, công nhân chưa vội

Đã mùng 7 Tết, sau hai ngày các Cty hoạt động trở lại, nhưng dãy nhà trọ công nhân của bà Hiền ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa vẫn còn khóa cửa im ỉm. Bà chủ nhà trọ cho biết, hơn 40 công nhân ở trọ về Bắc từ trước Tết nhưng mới có 5 người trở lại.

Chị Nguyễn Thị Linh, chuyền trưởng một chuyền may ở Cty Pouchen, cho hay Cty làm việc từ mùng 5 Tết, nhưng đến nay lượng công nhân đến làm việc vẫn còn thiếu nhiều. Mỗi chuyền có 100 công nhân nhưng thiếu trên 20 người, nên Cty phải ngưng một số chuyền.

Chị Linh kể hằng năm cứ phải nửa tháng sau Tết, công nhân mới cơ bản đi làm đầy đủ. Một nhân viên phòng nhân sự Cty Dệt may Ecla tại KCN Nhơn Trạch cho hay, bình thường Cty đã luôn thiếu lao động, nhưng cứ sau Tết thì mức độ thiếu lao động càng trầm trọng do công nhân nghỉ việc. Vì vậy, Cty phải lên kế hoạch tập trung cho tuyển dụng lao động từ trước Tết.

Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp thường bị thiếu hụt lao động sau Tết là công nhân thay đổi nơi làm việc. Chị Trần Thanh Nhàn làm việc tại một Cty may giày da ở KCN Thạnh Phú cho biết, do môi trường làm việc ở Cty cũ không phù hợp nên cố làm xong hết năm để nhận tiền thưởng Tết và sau đó xin sang Cty khác.

Để người lao động trở lại làm việc đầy đủ sau Tết, nhiều Cty đã lên kế hoạch như sắp xếp xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết và trở lại, lì xì cho công nhân đi làm đúng ngày quy định hoặc thưởng thêm mỗi ngày 10.000 đồng trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số Cty, một khi công nhân đã không quan tâm thì có thưởng mấy cũng không hiệu quả.

Hà Nội: Chi phí sinh hoạt cao ảnh hưởng quyết định ở lại

Dạo qua KCN Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) ngày mùng 7 Tết, thấy lác đác công nhân trở lại làm việc. Đại diện Cty Cổ phần Hanel Xốp nhựa cho biết, 80% công nhân đã quay lại làm việc, giảm đáng kể so với năm trước.

Tỷ lệ này ở Cty Cổ phần Giấy Hải Tiến trong KCN Sài Đồng là 30%. Ông Tống Quang Huy, Giám đốc Cty nói: “Do hiện nay các địa phương khác đều có KCN nên lao động phổ thông thường tìm về địa phương làm việc sau nhiều năm làm việc xa nhà. Giá cả tại các đô thị lớn như Hà Nội ngày càng đắt đỏ nên công nhân khá cân nhắc khi quyết định ở lại. Cty chúng tôi đang gấp rút tuyển 200 lao động phổ thông”.

Giờ nghỉ trưa, ở khu phòng ăn Cty Giấy Hải Tiến, chị Chu Minh Hà làm việc tại bộ phận đóng gói, cho biết: “Tổ chúng tôi có 30 người nhưng chỉ có 26 người tới làm sau Tết. Nhiều lý do khiến họ không quay trở lại làm nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề tiền lương. Lương tăng một chút thì giá lương thực, tiền nhà đều tăng theo, nên cuộc sống rất chật vật”.

Theo khảo sát của PV, tại KCN Sài Đồng, số lao động đi làm trở lại chiếm 70 - 85%, KCN Đại Từ 80- 90%, KCN Thăng Long 80 - 95%. Nhiều doanh nghiệp phải nhờ đến trung tâm giới thiệu việc làm với con số lên tới hàng nghìn lao động.

Ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban quản lý các KCN&KCX Hà Nội, nói: “Năm nào số lao động nghỉ việc sau Tết cũng cao hơn số lao động từ các tỉnh khác ra thành phố tìm việc. Hiện, với mức lương chỉ 1,5 triệu với điều kiện phải thuê nhà, sinh hoạt ở Hà Nội ngày một cao thì rất khó giữ chân người lao động”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG