Doanh nghiệp mong ngóng phân ‘vùng xanh’, ‘vùng đỏ’ để phát triển sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất thực phẩm tại một DN ở huyện Hoài Đức
Sản xuất thực phẩm tại một DN ở huyện Hoài Đức
TPO - Sau khi có thông tin về việc Hà Nội thiết lập 3 vùng phù hợp với nguy cơ của dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã kiến nghị sớm có phân vùng cụ thể, để có phương án thực hiện "4 xanh".

Ngày 2/9, Văn phòng Thành ủy Hà Nội “Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố”. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của thành phố theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, trong đó thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Ngay sau khi nhận được thông tin này, các DN sản xuất trên địa bàn thành phố đều mong mỏi cơ quan chức năng xác định các "vùng xanh" để DN phục hồi sản xuất.

Lãnh đạo một DN tại huyện Hoài Đức cho biết, sau khi được phê duyệt phương án "3 tại chỗ", DN đã thực hiện khoảng 1 tháng nhưng không trụ được vì chi phí sản xuất quá cao. Sau đó DN chuyển sang phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", tuy nhiên phương án này cũng khó kéo dài được vì chi phí thuê chỗ ở tập trung cho công nhân rất cao không, lợi nhuận không bù đủ chi phí phát sinh.

DN đề xuất sau khi phân vùng, Hà Nội có thể áp dụng phương án "4 xanh" gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh ("người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp.

Đồng tình, lãnh đạo Cty Thực phẩm Song Phương (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện DN đang chờ thông tin phân vùng của cơ quan chức năng để triển khai phương án sản xuất. "Nếu thực hiện được "4 xanh" là phương án tối ưu để duy trì, phục hồi sản xuất", lãnh đạo DN nói. Được biết, thời điểm này ngoài các chi phí phục vụ sản xuất tăng, chi phí xét nghiệm... thì chi phí đầu vào cũng đã tăng gấp đôi, gấp ba.

Đại diện huyện Đan Phượng cho biết, hiện huyện đã ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, đến thời điểm này 100% công nhân trên địa bàn huyện đã được tiêm vắc xin. Đây được cho là giải pháp lâu dài để các DN yên tâm sản xuất. Hiện địa bàn huyện đang có hơn 100 DN hoạt động theo 3 phương án: "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và kết hợp 2 phương án trên. Trong khi thực hiện, có một số DN kiến nghị khó khăn và đã được tháo gỡ. Đối với "4 xanh" hiện chưa có DN nào kiến nghị bằng văn bản.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được đưa ra dựa trên đánh giá nguy cơ về mặt dịch tễ, qua công tác giám sát dịch và theo đề xuất của các sở ngành liên quan, làm sao cho phù hợp nhất để bảo đảm người dân ở "vùng xanh" vẫn có thể sản xuất, kinh doanh; còn tại những vùng nguy cơ, như "vùng đỏ", "vùng cam" tiếp tục được giám sát dịch một cách chặt chẽ, triệt để.

Theo bà Nhị Hà, các "vùng xanh" được giao cho lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phê duyệt duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ, "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG