Doanh nghiệp ráo riết tuyển lao động: Thêm nhiều cơ hội việc làm

Công nhân tìm việc làm tại công ty ở Bình Duong. Ảnh: HC
Công nhân tìm việc làm tại công ty ở Bình Duong. Ảnh: HC
TP - Khi dịch COVID-19 tạm lắng, nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận đang ráo riết tuyển dụng để đáp ứng các đơn hàng trước mắt đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh dài hơi.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), từ nay đến cuối năm, thành phố cần khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc với 84,5% nhu cầu là lao động qua đào tạo. Đây sẽ là cơ hội việc làm cho những lao động bị mất việc do dịch COVID-19 và đối với những sinh viên mới ra trường. Đồng thời, hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Do vậy, nhiều DN bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm.

Chạy đua với đơn hàng

Những ngày gần đây, Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) thông báo tuyển gấp 2.000 công nhân để đáp ứng nhu cầu đơn hàng sản xuất thời điểm cuối năm. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết, đơn hàng của Cty hiện nay đang rất nhiều nên phải tuyển thêm 2.000 công nhân chính thức để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Công ty sẽ ưu tiên đối với những lao động cũ của Công ty vừa bị sa thải vì khó khăn. “Đó  đều là những công nhân có tay nghề”, ông Nghiệp nói.

Mỗi năm Cty CP công nghiệp Đông Hưng sản xuất khoảng 5 triệu đôi giày và cần tới 3.500 công nhân. Ông Đỗ Tấn Tài, Phó Giám đốc chi nhánh Cty tại KCN Sóng Thần I (Bình Dương) cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, đơn hàng giảm và nguyên liệu hạn chế nên Cty giảm gần một nửa nhân sự. Hiện tại, đơn hàng tăng, đầu vào nguyên liệu có nên cần đủ số lượng lao động để đáp ứng buộc doanh nghiệp phải tuyển.

Ông Nguyễn Mỹ, chủ Cty may mặc Hoàn Đức (Đồng Nai) cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh, đơn hàng của Cty không bị mất mà chỉ chựng lại do không xuất được và nguồn nguyên liệu cũng không nhập về được. Đến nay, khi hoạt động xuất nhập khẩu được nối lại, Cty vẫn đủ lao động và đang phải tuyển thêm lao động, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ chốt đơn hàng trong năm, tạo sự tin cậy với đối tác để ký đơn hàng sản xuất mới.

Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP (Bình Dương) cho biết, từ giữa quý III và IV/2020, DN cần lượng lớn lao động phổ thông do đơn hàng tăng mạnh vào cuối năm, trong khi nguyên liệu sản xuất đã có đầu vào. Riêng trong tháng 8, các DN ở Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng 13.379 lao động. Trong đó lao động chuyên môn cần tuyển 3.392 vị trí, lao động phổ thông cần tuyển 9.987 lao động.

Trình độ cao, lương cao

Sau thời gian hoạt động cầm chừng, giai đoạn này, Cty CP Vé Xe Rẻ  cũng đang tăng tốc cho những dự định, kế hoạch kinh doanh mới. Ông Nguyễn Trần Lê Văn - Tổng Giám đốc cho biết, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt kéo theo kinh tế trên đà hồi phục, người dân có nhu cầu đi lại, du lịch nhiều hơn. Đây là lúc để Cty tuyển lao động chất lượng cao để phục vụ kế hoạch tái thiết cũng như những dự án sắp tới. “Chúng tôi có nhiều kế hoạch như tập trung phát triển đối tượng khách hàng du lịch và về quê; mở thêm đại lý bán vé; mở thêm mảng gửi hàng online… Do đó, Cty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30 lao động là các chuyên gia, sinh viên mới ra trường để làm việc lâu dài”, ông Văn cho hay. Mức lương trung bình tại DN này khoảng 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng)/người/tháng.

Ngay sau dịch, Cty TNHH Cự Thành (Long Thành, Đồng Nai) tiến hành tuyển dụng lao động để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường cuối năm. Ông Lý Xê Ba, Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết, Cty mở rộng đối tượng tuyển dụng cho cả những người ở tuổi 50 với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng.

Đại diện Cty TNHH UE Furniture VN (Bình Dương) cũng cho hay do cần lao động gấp để kịp đơn hàng dịp cuối năm, doanh nghiệp tuyển mới hơn 1.000 lao động phổ thông. Để có người làm, doanh nghiệp đưa ra mức lương 9 đến 13 triệu đồng/tháng. Đại diện Cty cũng cho rằng, đây là mức lương rất cao so với mặt bằng lương hiện tại. 

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, nhu cầu lao động tăng cao xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp mới được thành lập và các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, khoảng 4.000 doanh nghiệp được thành lập, 89 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần khoảng 25.000 - 32.000 người lao động, tập trung vào các ngành nghề giày da, may mặc, may nệm ghế sofa, gỗ, dịch vụ, thực phẩm. Từ tháng 9 đến cuối năm là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục vụ các dịp lễ, Tết. Lúc này, nhiều việc làm ngắn hạn, cũng là lúc cần người làm nhất.

MỚI - NÓNG