Doanh nghiệp thuốc trừ sâu cạnh tranh khốc liệt vì nông dân bỏ ruộng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến người dân lỗ nặng phải bỏ ruộng, bỏ vườn. Điều này buộc các doanh nghiệp đua nhau tăng chiết khấu để giành thị phần. Theo các doanh nghiệp, sự cạnh tranh của ngành bảo vệ thực vật chưa bao giờ khốc liệt như thời gian gần đây.

Dư địa thị trường thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam hiện rất lớn với quy mô mỗi năm ngành nông nghiệp nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam chi khoảng 974 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu (tăng 6,8% so với năm 2021). Trong đó, sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng nguồn cung và phân phối thông qua kênh bán hàng của hàng trăm doanh nghiệp, đại lý nhỏ.

Đặc biệt, việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật đang áp thuế ở mức 0% cùng với biên lợi nhuận gộp của ngành khá hấp dẫn nên thị trường thuốc bảo vệ thực vật luôn là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp tham gia.

Hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, với gần 100 nhà máy chế biến thuốc, khoảng 30.000 đại lý.

Trong các doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC). Đây là doanh nghiệp với hơn 35 năm hoạt động trong ngành, gồm 2 mảng chính là dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược.

Năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt gần 3.000 tỷ đồng tăng 43,4% so với năm 2021, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Lợi nhuận sau thuế của VFC đạt 229 tỷ đồng tăng 38,8% so với năm 2021. Mạng lưới kinh doanh cũng nở rộ với hàng trăm đại lý phủ rộng khắp các tỉnh thành cả nước.

Doanh nghiệp thuốc trừ sâu cạnh tranh khốc liệt vì nông dân bỏ ruộng ảnh 1

Các doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật tăng chiết khấu cho đại lý, cạnh tranh gay gắt.

“Ông trùm” lớn nhất trong mảng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam phải kể đến Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2022, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt gần 11.900 tỷ đồng (tăng hơn 14% so với năm 2021). Trong đó, doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật mang về hơn 4.400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp các năm qua của Lộc Trời với ngành thuốc bảo vệ thực vật đều đạt mức trên 30%, cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành.

Công ty TNHH Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) năm ngoái cũng đạt doanh thu thuần hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo SPC, lợi nhuận giảm do công ty chưa thực hiện việc chuyển lợi nhuận từ công ty con là Công ty TNHH Bảo vệ thực vật Sài Gòn - Campuchia về. Đặc biệt, công ty phải tăng cường chiết khấu khuyến mãi cho các đại lý trong bối cảnh ngành thuốc bảo vệ thực vật cạnh tranh khốc liệt.

Trong các báo cáo thường niên 2023 mà các doanh nghiệp bảo vệ thực vật đang trình ra Đại hội cổ đông, hầu hết đều có chung nhận định: “Miếng bánh” của ngành chưa bao giờ có sự cạnh tranh gắt gao như thời điểm này.

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân do thời gian qua, cả chi phí đầu vào sản xuất đều tăng cao, phân bón có thời điểm tăng trên 100%; thuốc bảo vệ thực vật tăng 25-40% tùy theo hoạt chất khiến người dân lỗ nặng phải bỏ ruộng, bỏ vườn.

Thống kê của các đơn vị cho thấy, có thời điểm nông dân bỏ ruộng không sản xuất lên đến 30%. Kết quả thị trường thuốc bảo vệ thực vật giảm sút trên 30% so với năm 2021, dẫn tới các đơn vị đua nhau tăng chiết khấu cho các đại lý để giành thị phần.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi hơn 193 triệu USD nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật về nước.

Hiện, thị phần thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, Lộc Trời chiếm lớn nhất với gần 30%; kế đến là Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam; Công ty Cổ phần Nông dược HAI; Công ty TNHH Bayer Việt Nam Bayer; Công ty ADC; Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco)...Những đơn vị này chiếm hơn 50% thị trường. Còn khoảng hơn 300 doanh nghiệp chia nhau nửa miếng bánh còn lại.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.