Từng khởi nghiệp từ thời sinh viên, anh đánh giá về những thuận lợi và những khó khăn trong vấn đề khởi nghiệp của các bạn sinh viên hiện nay?
Khi là sinh viên, chúng ta không có gì để mất, nên cái thuận lợi của chúng ta chính là: có thất bại cũng không mất gì. Chủ yếu là mất thời gian, nhưng thời gian đổi lại kinh nghiệm. Xem ra, được nhiều hơn mất. Tôi vẫn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp nên bắt đầu từ trường đại học. Ở nước ngoài, trường đại học luôn là một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Facebook cũng là một khởi nghiệp từ trường đại học đấy thôi. Ở giai đoạn đầu của mạng xã hội này, Mark Zuckerberg muốn dựng xây một mạng cộng đồng cho toàn bộ sinh viên của trường Harvard. Nó gần như là "thành công chỉ sau một đêm".
Tuy nhiên, sinh viên thì còn trẻ, nên đôi khi chưa phân biệt được giữa ước mơ và ảo tưởng. Đấy là cái khó khăn. Các bạn chưa được trang bị đủ tâm thế, kỹ năng, kiến thức, công cụ và kinh nghiệm. Vì thế, các bạn sinh viên cần "hóa giải" khó khăn này bằng cách tìm cho mình một người mentor phù hợp dẫn dắt mình đi trên con đường khởi nghiệp. Và đó cũng là lý do vì sao, đa số học viên của chúng tôi là doanh nhân, nhà quản lý... nhưng chúng tôi vẫn thiết kế một chương trình đào tạo khởi nghiệp dành riêng cho sinh viên. Chúng tôi hy vọng sẽ "chắp cánh" cho nhiều bạn sinh viên khởi nghiệp thành công hơn.
Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp để các bạn sinh viên có cơ hội trưởng thành. Anh đánh giá như thế nào về các sân chơi khởi nghiệp hiện nay và việc sinh viên tận dụng những cơ hội từ các sân chơi này?
Vể cơ bản, các cuộc thi này là cần thiết. Có ba cái lợi mà các cuộc thi mang lại cho giới sinh viên khởi nghiệp.
Thứ nhất là được cọ xát ý tưởng của mình với thực tế, lắng nghe phản biện, góp ý để "giết chết" ý tưởng một vài lần trước khi nó được tinh chỉnh đủ để có thể trở nên khả thi và thành công. Đây là giá trị quan trọng nhất. Nhiều khi ta không thành công trong "cuộc thi" nhưng lại thành công trong "cuộc đời".
Thứ hai là các mối quan hệ xây dựng được qua các cuộc thi, bao gồm cả mối quan hệ với những người cố vấn, ban giám khảo, các doanh nhân thành đạt. Điều này chỉ có nếu bạn biết cách tiếp cận khéo léo, chân thành mà vẫn thể hiện được một khát vọng lớn, dám nghĩ dám làm.
Thứ ba là hành động, hành động, hành động. Các bạn sẽ quen với làm việc nhóm (teamwork), lên kế hoạch, bán hàng, thuyết phục, phản biện, lãnh đạo và dẫn dắt.. Nếu tham gia hết mình, đây sẽ là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đi học của bạn.
Thời sinh viên, khi bắt đầu khởi nghiệp, anh có gặp nhiều áp lực? Cách anh vượt qua những áp lực đó như thế nào?
Có thể nói, khó khăn là không thể tránh khỏi, nên ta khỏi phái tránh nó. Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn như: không có vốn, không có kinh nghiệm điều hành hay kinh doanh, không có mối quan hệ, không có chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp, sản phẩm đi trước thị trường quá sớm, thương hiệu chưa có, pháp lý chưa vững, quan hệ với hội đồng quản trị chưa tốt... Gần như, khởi nghiệp có khó khăn gì thì chúng tôi đều đã trải qua tất cả mọi khó khăn đó.
Chúng tôi đã vượt qua tất cả những khó khăn đó bằng 5 cách như sau: Luôn sống với tâm thế "Trước bình minh luôn là đêm tối"; thử nghiệm, sáng tạo và điều chỉnh liên tục mô hình kinh doanh cho đến khi tìm ra công thức thành công; học tất cả những gì có thể, từ sách, từ kinh nghiệm của những người làm kinh doanh khác, từ mọi khóa học chất lượng về kinh doanh; xây dựng một đội nhóm có niềm tin vào chiến thắng, có những giá trị cốt lõi phù hợp cuối cùng là có những mentor, người thầy, "sư phụ" hướng dẫn và cố vấn cho mình.
Hiện nay, có nhiều quỹ tài trợ và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, vậy những bạn startup trẻ là sinh viên có cơ hội để tiếp cận với những nguồn quỹ này không?
Trong kinh doanh có một nguyên tắc: Tiền chỉ chảy đến nơi có người xứng đáng. Nên nếu bạn xứng đáng, tiền sẽ chảy về bạn. Và bí quyết là thay vì tập trung vào ý tưởng thì hãy tập trung vào con người. Hãy xây dựng đội nhóm thật "chất". Vì nhà đầu tư không đầu tư cho ý tưởng, họ đầu tư cho con người.
Hiện nay, không ít sinh viên muốn khởi nghiệp nhưng lại thiếu kiến thức về tài chính. Điều này dẫn đến gặp không ít những khó khăn thậm chí là thất bại nhanh chóng khi triển khai dự án khởi nghiệp của mình. Anh có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Tài chính có 3 mảng đó là: Tài chính cá nhân, Tài chính doanh nghiệp và Tài chính đầu tư. Khi khởi nghiệp, bạn cần có kiến thức ở 2 mảng đầu tiên. Điều này rất quan trọng, vì "tài chính là ngôn ngữ của kinh doanh". Để học về tài chính cá nhân, bạn có thể đăng ký trên SuccessBox.asia. Còn để học về tài chính doanh nghiệp, đó là một module quan trọng trong XFounder.me. Bạn có thể đăng ký để được học ở lớp dành cho sinh viên, với mức giá dành cho sinh viên.
Câu chuyện các bạn sinh viên bị dụ dỗ vào những đường dây đa cấp “ma”, các quỹ đầu tư “ma”… và gần đây được báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc giải cứu. Sinh viên cần nhận thức như thế nào cho đúng về vấn đề này?
Hãy thay câu "Làm giàu không khó" bằng câu "Làm giàu một cách chính trực và bền vững" trong tâm trí (mindset) của mình. Đây là câu chuyện về nhận thức và tư duy. Chúng ta có thể sẽ có một thế hệ chỉ muốn "đi ngủ cũng kiếm được tiền". Điều này về bản chất là không sai, nhưng khi bị lòng tham dẫn dắt, con người dễ sa vào những trò lừa đảo nguy hiểm. Những thông điệp như vầy khi được sử dụng vào những mục đích sai trái có thể chiêu dụ và khiến cho rất nhiều "con mồi" rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Chính vì vậy, tôi cho rằng "Giáo dục sớm" là điều rất quan trọng. Giáo dục sẽ quyết định cách một con người nhận thức, tư duy và hành động. Cần trang bị sớm hơn nữa cho sinh viên "Bộ tứ đúng đắn" bao gồm: những Tư duy đúng đắn + Thái độ đúng đắn + Trí tuệ đúng đắn + Phẩm chất/ Giá trị đúng đắn. Có chúng làm hành trang, các bạn sinh viên sẽ có đủ nội lực và tâm thức để phân biệt giữa "Phật" và "Ma", giữa "Chính" và "Tà", giữa "Thật" và "Giả", giữa "Đúng" và "Sai", giữa "Giấc mơ" và "Ảo tưởng".
Gần đây, anh và cộng sự của mình có ra mắt cuốn Khởi nghiệp phưu lưu ký sau cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối. Anh có thể chia sẻ thêm về cuốn sách này?
Nếu như Trước bình minh luôn là đêm tối hướng dẫn 25 bí quyết để thành công vượt trội trước tuổi 30, thì Khởi nghiệp phiêu lưu ký lại hướng dẫn cụ thể mô hình La bàn Khởi nghiệp để định hướng cho bạn xây dựng một doanh nghiệp có ý nghĩa và có giá trị, tạo ra tiền bạc, tài sản và bền vững, thực hiện được hoài bão cũng như giấc mơ của bạn. La bàn Khởi nghiệp bao gồm 6 chiếc Chìa khóa Khởi nghiệp quan trọng nhất, không thừa, không thiếu, để bạn khởi sự doanh nghiệp một cách bền vững và hiệu quả hơn. Tất cả các bài học đều áp dụng tốt tại môi trường Việt Nam. Đây là một tâm huyết khác chúng tôi muốn gửi gắm đến các doanh nhân, những người khởi nghiệp và các bạn Sinh viên Việt Nam. Tất cả vì một Việt Nam đáng sống hơn!