Độc lạ giới trẻ Trung Quốc: Bỏ việc, về quê trò chuyện với bố mẹ để có tiền

0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên Trung Quốc ngày nay chán làm việc tại văn phòng, trở thành "con toàn thời gian" để kiếm thêm thu nhập từ bố mẹ.

Theo Sixth Tone, định nghĩa mới để nói về đa số người trẻ ở Trung Quốc thời điểm hiện tại là "những đứa trẻ toàn thời gian". Những người này chấp nhận lối sống không phải đi làm mỗi ngày.

Họ không có việc làm chính thức. Thay vào đó, họ làm việc nhà cho bố mẹ, trò chuyện với phụ huynh để đổi lấy một khoản trợ cấp và tiền thuê nhà miễn phí.

Độc lạ giới trẻ Trung Quốc: Bỏ việc, về quê trò chuyện với bố mẹ để có tiền ảnh 1

Thanh niên Trung Quốc chọn trở về nhà trong thời kỳ không có việc làm (Ảnh: The New York Times).

Tưởng như mơ nhưng không hề dễ dàng

Phản ứng ban đầu của dân mạng Trung Quốc là ghen tỵ. Các video lan truyền từ những người có ảnh hưởng mô tả cuộc sống bình dị với buổi sáng thảnh thơi, bữa ăn tự nấu, trà chiều và đưa bố mẹ đi khiêu vũ vào ban đêm.

Hầu hết người trẻ theo lối sống này có cuộc sống bình thường. Họ nấu ăn, chăm sóc cha mẹ già để đổi lấy tiền ăn ở.

Tuy nhiên, lối sống này sau đó bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích. Họ cho rằng, người trẻ nên đi kiếm tiền để báo hiếu bố mẹ.

Mặc cho những lời chế giễu, mỗi người đều có hoàn cảnh riêng khiến họ phải rời xa thành phố để về quê với gia đình.

Độc lạ giới trẻ Trung Quốc: Bỏ việc, về quê trò chuyện với bố mẹ để có tiền ảnh 2

Vì hoàn cảnh gia đình, nhiều người trẻ bỏ thành phố về quê để chăm sóc bố mẹ (Ảnh: The New York Times).

Một cô gái ở Trung Quốc bỏ việc về quê để chăm sóc gia đình. Cô nấu 3 bữa mỗi ngày cho bố mẹ, nhắc nhở họ uống thuốc và dọn dẹp nhà cửa.

Phần lớn thời gian còn lại cô dành để chăm sóc người mẹ tàn tật. Cô đọc sách cho mẹ nghe, đưa mẹ đi dạo, giúp mẹ tập các bài phục hồi chức năng.

Ngoài ra, cô cũng chăm sóc bà của mình, người gần 90 tuổi và đi lại khó khăn. Thời gian duy nhất cô dành cho riêng mình là khi mọi người đã đi ngủ.

Động lực để cô trở về nhà không phải là "ăn bám" vào bố mẹ, mà là cơn đau tim của bố cô. Dù ông đã hồi phục, ông không còn sức lực để chăm sóc vợ hay mẹ vợ.

Do đó, nếu cô không chuyển về nhà, gia đình sẽ phải thuê người chăm sóc với chi phí hơn 6.000 nhân dân tệ (19,8 triệu đồng) mỗi tháng, cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của cô.

Nhìn chung, nhận thức về hiện tượng làm "con toàn thời gian" đều phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Nếu gia đình gặp vấn đề, quyết định trở thành "con toàn thời gian" trở thành biểu hiện của lòng hiếu thảo.

Nếu không, cá nhân trong câu hỏi được coi là phụ bạc bố mẹ dưới chiêu bài giúp đỡ họ.

Độc lạ giới trẻ Trung Quốc: Bỏ việc, về quê trò chuyện với bố mẹ để có tiền ảnh 3

Nhiều người trẻ đang loay hoay giữa việc kiếm tiền ở thành phố hay về quê chăm sóc bố mẹ (Ảnh: AdobeStock).

Về quê vì chưa kiếm được việc làm phù hợp

Một cuộc nghiên cứu cho thấy, hầu hết người trẻ coi sống toàn thời gian ở nhà là điểm dừng trong khi họ tìm việc ở nơi khác.

Với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt 20,8% trong tháng 5, quá trình tìm kiếm có thể mất một khoảng thời gian.

Dù nguyên nhân là gì, việc trở về sống với cha mẹ đã trở thành lựa chọn tốt nhất đối với nhiều người trẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng ủng hộ việc con họ bỏ thành phố về quê theo xu hướng làm "con toàn thời gian".

Độc lạ giới trẻ Trung Quốc: Bỏ việc, về quê trò chuyện với bố mẹ để có tiền ảnh 4

Những bất hòa khi sống cùng bố mẹ của con trẻ là không thể tránh khỏi (Ảnh: HuffPost).

Một bài viết trên tạp chí Life Week mô tả về cảm giác "mất giá" của những người con toàn thời gian. Bài viết kể về một cô gái đã chi 600.000 nhân dân tệ (hơn 1,9 tỷ đồng) và 2 năm để lấy bằng thạc sĩ ở Úc.

Sau khi tốt nghiệp, cô trở về Trung Quốc nhưng không tìm được việc làm. Cuối cùng, cô chọn trở thành "con toàn thời gian" và sống với bố mẹ.

Sau 3 tháng ở nhà, bố mẹ cô trở nên khó chịu. Trong một cuộc cãi vã, cô khóc và hỏi liệu bố mẹ có thực sự muốn cô sống cùng không.

Câu trả lời của bố mẹ cô khá tàn nhẫn: "Con nghĩ chúng ta cần con dọn dẹp nhà cửa, mua đồ và rửa xoong nồi sao? Bố mẹ trả cho con 3.000 nhân dân tệ (9,9 triệu đồng) mỗi tháng để con không cảm thấy xấu hổ nhưng sự thật bố mẹ lại là người xấu hổ với mọi người".

Gia đình luôn là lựa chọn an toàn cuối cùng nhưng đa số bố mẹ vẫn mong muốn con cái họ tự lập và chăm chỉ hơn.

Cuối cùng, xu hướng làm "con toàn thời gian" của giới trẻ Trung Quốc chỉ là sự biện minh và hợp lý hóa cho việc nhận giúp đỡ từ bố mẹ.


Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/doc-la-gioi-tre-trung-quoc-bo-viec-ve-que-tro-chuyen-voi-bo-me-de-co-tien-20230713232816934.htm

Theo Nghi Phương/Dân trí
MỚI - NÓNG