Tại các diễn đàn, hội nhóm của các bạn trẻ, phản hồi sau bản ký kết của TP Hội An với tổ chức Four Paws về việc không tiêu thụ thịt chó, mèo rất sôi nổi. Đa số bày tỏ sự ủng hộ và xem đây là cơ hội để thay đổi nhận thức của cộng đồng. Trần Minh Sang, nhân viên một công ty vận tải tại Cảng Khánh Hội (TP. HCM) kể câu chuyện của mình khiến nhiều người rưng rưng.
Sang cho biết, từ nhỏ đã thấy làng mình có thói quen ăn thịt chó, mèo. Anh cũng xem đây là việc bình thường và thậm chí là thích vì nó… ngon. Thời sinh viên ở Thủ Đức, mỗi khi có tiền, cả phòng Sang vẫn kéo nhau ra khu quốc lộ để ‘cải thiện’. Đến khi đi làm, Sang thỉnh thoảng cùng anh em công ty ra khu Cống Quỳnh ăn.
Với nhiều người trẻ, đối xử tốt với động vật cũng là cách để yêu thương con người. |
Sang kể: “Lần đó, mình dắt xe ra làm thì thấy bà cụ neo đơn bán tạp hóa ngồi khóc, mình hỏi chuyện thì biết chú chó, bạn thân của bà, bị bắt trộm. Bà chỉ có nó bầu bạn vì không chồng con. Bà thuê người chở đi tìm khắp các điểm mua bán chó mà không thấy, một chủ tiệm nọ xem hình xong ra giá 3 triệu đồng nếu tìm thấy. Hơn 1 tháng sau, bà mất vì cơ thể suy nhược do buồn không ăn uống gì. Sau lần đó, mình tin chó mèo là bạn thật sự, mình bỏ luôn thịt chó. Mình thương chú chó, và thương bà cụ. Không phải vì đạo đức, mà vì phải thay đổi cách nghĩ để tốt hơn”.
Từng “khóc hết nước mắt” khi chú chó của gia đình bị bắt trộm, chị Xuân Bích, giảng viên một trường CĐ cho biết: “Việc cấm giết mổ chó mèo là điều chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay. Khi nào cộng đồng còn xem đây là thực phẩm, khi đó, những kẻ trộm chó mèo càng có động cơ phạm tội”.
Chị Bích kể tiếp: “Mình đã mất gần 1 tuần tìm kiếm ở các điểm buôn bán chó mèo mong tìm lại bé Xu nhưng vô vọng. Mình thấy rất nhiều kẻ trộm cắp thản nhiên mang chó mèo đến bán, chủ hàng sẵn sàng ra giá chuộc. Như vậy, từ trộm cắp, dần hình thảnh cả một hệ thống trục lợi, vừa trộm, vừa chuộc. Nếu chủ không tìm đến thì các bé chó, mèo này sẽ bị bán vào lò mổ. Họ biết nhu cầu của người yêu động vật và cả nhu cầu của người xem đây là thực phẩm nên nghĩ ra đủ cách làm tiền”.
YDV, một nhóm hoạt động sôi nổi tại TP. HCM nhằm chăm sóc, cứu chữa động vật và nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về động vật. |
Theo Xuân Bích, việc thay đổi thói quen là một việc khó, đòi hỏi thời gian lâu dài để thay đổi nhận thức của cộng đồng nhưng khi chính quyền lên tiếng chính thức qua một chiến dịch, về lâu dài sẽ có tác động tích cực. “Hiện nay, rất nhiều người đã bỏ thói quen ăn thịt chó mèo, nhờ tác động tích cực từ các chiến dịch kêu gọi thay đổi nhận thức của các bạn trẻ yêu động vật. Nhiều nước ở châu Á, tỉ lệ này cũng tăng lên đáng kể, ngay cả các nước cũng có thói quen ăn thịt chó giống Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc”.
“Dư luận nặng nề từ việc tiêu hủy đàn chó của một gia đình đang cách ly tại Cà Mau vừa qua tác động nhiều đến nhận thức của cộng đồng. Thêm hành động của Hội An, mình nghĩ cộng đồng sẽ rất gần đến một sự thay đổi và ứng xử văn mình hơn với động vật, nhiều bạn trẻ nhiều năm nay đã âm thầm làm việc này”, Tú Trinh (thành viên một nhóm cứu hộ động vật tại Gò Vấp) tâm sự.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, chỉ khi có tình thương với động vật, chó mèo… thì con người dễ thương yêu và nghĩ tốt cho nhau. Không chỉ ủng hộ, nhiều bạn trẻ còn xem Hội An là điểm đến lý tưởng để du lịch và quyết định nói không với giết mổ chó mèo sẽ tác động tích cực đến bộ mặt của đô thị này.
“Mình từng đến Hội An nhiều lần và rất thích nơi này. Có lần mình thấy hai bạn trẻ người Thụy Điển hốt hoảng, nhăn mặt và khóc khi thấy một gia đình ở làng rau Trà Quế thui một chú chó. Mình đã hỏi chuyện và hai bạn này cho biết sẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Bây giờ, mình sẽ trở lại Hội An du lịch, vì mình ủng hộ đối xử tốt với chó, mèo. Khách quốc tế khi biết điều này cũng sẽ thiện cảm với Hội An hơn”, Phan Thị Tuyết Thi, nhân viên truyền thông tại TP. HCM cho biết.
Một sự kiện bán hàng gây quỹ để cứu hộ, chăm sóc chó mèo do CLB YDV tổ chức, thu hút rất đông giới trẻ tham gia. |
Theo Thi, các đô thị lớn như Hà Nôi, Sài Gòn… cũng nên theo đuổi cách làm này để từng bước thay đổi thói quen, tạo thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn thắc mắc giá như Hội An cam kết lâu dài với thỏa thuận này chứ không phải 2 năm.
Ở góc độ là một “Forster” ( người chăm sóc và nuôi tạm thời chó mèo, động vật), Gia Linh (thành viên một nhóm Foster tại Q. 12, TP. HCM) cho biết: “Bên cạnh việc ủng hộ, giới trẻ cũng cần yêu thương động vật đúng cách. Nhiều bạn nuôi chó mèo nhưng lại để chúng sinh sản tràn lan, không triệt sản, không rọ mõm, thậm chí thả rông ra đường, vừa mất an toàn, vừa tạo điều kiện cho những kẻ bất lương. Một số bạn tuy yêu thương nhưng lại xem chó mèo như mặt hàng để buôn bán thương mại, thì cũng không thể xem là yêu thương đúng cách”. Linh cũng cho rằng: “Dùng từ ngữ nặng nề để mạt sát những người khác mình cũng không phải là cách bày tỏ văn minh. Thay đổi người khác từ chính hành động nhỏ nhưng đầy yêu thương của mình”.