Tết là thời gian đoàn viên, sum họp, thời gian để mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Nhưng khi “Tết Covid – 19” thứ hai trở lại, không tụ họp đông người, giữ khoảng cách an toàn vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu đề ra. Vậy, với giới trẻ ở các vùng thì sao? Cùng xem những chia sẻ hay nhìn lại một năm qua cùng giới trẻ các vùng, họ sẽ làm gì khi “Tết Covid-19” quay trở lại:
Mikelei (Hà Nội)
Với Mikelei, Tết năm nay cũng giống Tết năm ngoái, đúng thời điểm bùng dịch, vì đã có kinh nghiệm bảo vệ bản thân, dăn dò gia đình từ trước nên cậu không có còn bỡ ngỡ như hồi đầu.
Đối với bản thân cậu, công việc không xáo trộn mà thấy phát triển hơn, cậu dành thời gian ở nhà làm những việc chưa từng làm. “Cảm giác thích thú mà nhớ hồi nhỏ. Với công việc đặc thù của mình là giao tiếp với mọi người nên mình cũng đã dành thời gian chia sẻ những việc bổ ích, lối sống tốt để mọi người có cái nhìn tích cực giống bản thân”, Mikelei chia sẻ.
Năm nay, do dịch bệnh nên cậu khó có thể đi du lịch đây đó như mọi khi nhưng bù lại sẽ dành thời gian đó để bù đắp cho gia đình nhiều hơn, ở nhà “xuyên” Tết, nói chuyện và hiểu mọi người hơn. Cậu chia sẻ: “Không khí chuẩn bị Tết mọi người tuy dịch tới nhưng mình vẫn thấy rất vui, nơi mình không có tập trung đông người mà những người trong gia đình thường tạo niềm vui cho nhau như nấu cơm, trang trí, khu phố trông cũng có không khí lắm, không buồn đâu. Nhà mình thì đơn giản thôi, dọn dẹp nhà cửa, trang trí, làm mứt, các loại nước uống giải khát để trong tủ đến Tết là dùng. Công tác phòng chống khá nghiêm ngặt, cẩn thận và chỉn chu. Chúc mọi người có một cái Tết thật đáng nhớ, vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc”.
Nguyễn Quỳnh Như (Đăk Lăk)
Tết cổ truyền đối với Quỳnh Như cũng luôn là một dịp thật ý nghĩa, là những ngày cùng đón chào năm mới, là một điều gì đó mới mẻ và nguyên vẹn. Cũng là dịp để nhìn lại những việc đã làm trong năm cũ và kế hoạch cho năm mới. Nhưng trên hết là thời gian ta dành cho gia đình.
Những ngày gần tết cô thường ở nhà phụ bà nội dọn dẹp nhà cửa, làm mứt dừa, khoai lang, có cả khô gà. Tranh thủ đọc xong mấy cuốn sách đang đọc dở. Quỳnh Như chia sẻ: “Thật ra năm nay, mình cũng rất mong đến tết để về nhà, vì một năm rồi mình chưa về. Nhưng thật đáng tiếc là hiện tại dịch lại bùng phát. Thường thì bắt đầu từ ngày 23 âm lịch là quê mình đã có không khí Tết rồi, chợ thì nhộn nhịp đông đúc hơn, ngoài đường cũng có nhiều loài hoa được bày bán.
Nhưng năm nay thì không khí trầm hơn hẳn do có vài nơi bị cách ly. Thường thì mùng 1 mình sẽ đi chùa xin lộc nhưng năm nay chắc sẽ ở nhà vì để tránh tụ tập nơi đông người. Và mình sẽ dành thời gian đó, ở nhà nhiều hơn với gia đình. Cùng mấy bé em chơi các trò chơi như lô tô, xếp gỗ, cờ tỉ phú... Cũng hy vọng mọi người giữ gìn sức khỏe, cùng đón một cái Tết thật bình an, vượt qua được giai đoạn khó khăn này, để sang năm mới thật thuận lợi không còn dịch bệnh nữa”, cô chia sẻ.
Lò Xuân Quỳnh (Sơn La)
Còn với Xuân Quỳnh, ý nghĩa nhất là những ngày sát Tết, được bên gia đình chuẩn bị cho ngày Tết khiến cô cảm thấy rất ấm cúng, luôn trân trọng những ngày cận Tết như thế này, tất cả mọi người trong gia đình đều cùng nhau dọn dẹp trang trí chuẩn bị Tết, phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Cả năm đi xa đến Tết được về với gia đình, cô muốn dành thời gian bên gia đình và bố mẹ nhiều hơn.
Cô cho biết: “Tết quê mình vui lắm, thường thì mọi người sẽ chọn một ngày tầm mùng 2 hoặc mùng 3 để tất cả người dân trong bản làng tụ tập chơi ném còn, uống rượu cần, múa xoè xung quanh,... và rất nhiều hoạt động truyền thống khác. Năm nay vì có dịch nên mình thấy mọi người không háo hức được như mọi năm. Do dịch nên mọi hoạt động đón tết hay chơi tết đều bị huỷ, thấy cũng hơi buồn nhưng mà phòng dịch vẫn là quan trọng nhất. Mình cũng muốn gửi gắm đến những bạn phải đón Tết xa nhà, hay ở những nơi vùng dịch không thể về quê ăn Tết rằng, các bạn đừng buồn, phòng dịch vẫn là trên hết, chúng ta hãy cùng nhau phòng chống dịch đẩy lùi Covid-19 nhé!”
Phạm Tiến Thành (Mù Cang Chải – Yên Bái)
Trở về từ Hà Nội vào chiều 24 Tết, với Tiến Thành, lần trở về này vừa hồi hộp vừa lo lắng, vì những ngày ấy dịch bệnh vẫn đang diễn ra nên cần thực sự cẩn thận và chấp hành nghiêm việc phòng và chống dịch bệnh. Khẩu trang, cồn sát khuẩn tay là vật dụng không thể thiếu. Năm nào cũng vậy, cứ về đến nhà là thấy có Tết. Cả gia đình cậu quây quần bên nhau gói bánh chưng, trang trí cành đào, cây quất và cùng nhau thức trọn đêm để cùng trông nồi bánh chưng, chờ trời sáng tâm sự đủ điều dưới thành phố xô bồ tấp nập.
“Dự tính Tết năm nay các bạn sẽ làm gì nào? Mình thì chắc sẽ ở nhà videocall chúc Tết bạn bè và người thân thôi nhỉ”, cậu chia sẻ.