Động đất liên tiếp xảy ra, Kon Tum cần làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước thực trạng động đất liên tiếp xảy ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, Kon Tum cần xây dựng phương án phòng ngừa từ xa, tổ chức tập huấn các kỹ năng cho cán bộ và người dân.
Động đất liên tiếp xảy ra, Kon Tum cần làm gì? ảnh 1

Thuỷ điện tích nước được cho là nguyên nhân xảy ra động đất ở Kon Plông

Ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long làm trưởng đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã làm hư hỏng, tốc mái 119 nhà; hơn 179ha cây trồng (lúa, cao su, chanh dây, hoa màu, ngô) bị hư hại, ngã đổ; một số công trình cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, trụ sở làm việc, trường học bị sập tường rào, tốc mái, đổ gãy một số cây xanh... Ước tính giá trị thiệt hại hơn 8,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông thường xuyên xảy ra. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; kịp thời phát hiện, thông tin và hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trên địa bàn.

Động đất liên tiếp xảy ra, Kon Tum cần làm gì? ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc

Trước tình hình động đất tại địa phương, UBND tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ ngành Trung ương quan tâm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra; phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, đưa ra số liệu, thông tin chính thống về động đất tại huyện Kon Plông, tổ chức tuyên truyền để nhân dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá Kon Tum làm rất tốt công tác phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tỉnh thường xuyên diễn tập ứng cứu thiên tai, trang bị trang thiết bị trong phạm vi cho phép. Chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến kiến thức về thiên tai cho cán bộ và người dân.

Theo Thứ trưởng, về tình hình động đất, tuy chưa gây thiệt hại, nhưng nếu xảy ra động đất lớn thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn. Bởi vậy, Kon Tum cần xây dựng phương án phòng ngừa từ xa, tổ chức tập huấn các kỹ năng cho các cán bộ và người dân. Đề nghị địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể cho người dân khi động đất xảy ra thì làm như thế nào.

Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum đã hỗ trợ chi phí để lắp đặt 6 trạm quan trắc động đất phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo và nghiên cứu chuyên sâu của Viện Vật lý Địa cầu. Theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tục xảy ra nhiều trận động đất. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận, đã xảy ra 125 trận động đất.

MỚI - NÓNG