Đốt cả tấn vàng mã: Phô trương, lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian gần đây, thông tin lan truyền trên mạng xã hội với nội dung đốt hàng tấn vàng mã trả lễ suốt 3 ngày tại đền Quan Lớn Tuần Tranh (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) khiến người dân xôn xao. Tình trạng đốt quá nhiều vàng mã cũng diễn ra ở nhiều địa phương gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm khẳng định, số lượng tiền, vàng mã được tín chủ mang đến đền Tranh là 100 bao với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Ban quản lý Di tích quốc gia đền Quan Lớn Tuần Tranh chỉ cho đốt 30 bao, số còn lại được yêu cầu chở đi hóa tại các đền, chùa, đình trên địa bàn và khu vực lân cận. Từ trước đến nay chưa có đoàn nào hóa nhiều tiền, vàng mã như vậy.

Không chỉ dừng ở việc đốt tiền vàng, nhiều người sính các sản phẩm hàng mã như nhà biệt phủ, xe hơi để “biếu tặng” tổ tiên, những người đã khuất. Những hàng hóa độc lạ như mỹ phẩm, bộ đồ đánh golf,… gia nhập thị trường vàng mã để chiều theo nhu cầu của người dân.

Đốt cả tấn vàng mã: Phô trương, lãng phí ảnh 1

Người dân có thói quen sắp mâm lễ cúng, đốt vàng mã ngay tại vỉa hè, lòng đường. Ảnh: DUY PHẠM

Ngày 8/1/2024, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành thông bạch, về việc tổ chức đón mừng Tết Giáp Thìn 2024, nêu rõ: “Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an, nghi lễ cầu an phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo”.

Sự phát triển của đời sống kéo theo việc đốt vàng mã càng trở nên phô trương, nặng tư lợi cá nhân. Chưa kể, đốt vàng mã bất cẩn ẩn chứa nhiều hiểm họa. Chiều 1/9/2023, ngôi nhà hai tầng phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng do đốt vàng mã. Ngọn lửa bắt nguồn từ khu vực sân và nhanh chóng lan xuống dưới. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng ngôi nhà 2 tầng đã bị thiêu rụi.

Trước đó, ngày 6/8/2023, vụ cháy do người dân thiếu ý thức khi đốt vàng mã đã xảy ra tại khu chung cư trên địa bàn phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đám cháy phát ra từ ống rác thải của tòa nhà, gây khói ngạt ở khu vực tầng 3 và nhanh chóng lan sang các tầng khác. Nguyên nhân được xác định là do một hộ dân ở tầng 3 cố tình hóa vàng mã sai nơi quy định.

Vụ việc nhóm thanh niên ở quận Đống Đa, Hà Nội qua đời thương tâm vào ngày cận Tết Nguyên đán 2021 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh việc đốt vàng mã tràn lan, thiếu cảnh giác.

Nhóm bốn thanh niên là sinh viên lên Hà Nội thuê trọ tổ chức cúng ông Công ông Táo và mời một người bạn đến ăn. Sau khi thấy tiền vàng không còn cháy, tất cả đi vào nhà ăn cơm. Đám cháy bùng lên nhanh chóng, khiến bốn thanh niên tử vong do ngạt khói, khí độc.

Sớm chấn chỉnh

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, ngoài thiệt hại kinh tế, việc đốt vàng mã quá nhiều dẫn đến những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ,... TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, không nên vì tâm lý xem việc đốt vàng mã là tập tục tín ngưỡng của người dân mà e ngại khi vận động, khuyến cáo hay áp dụng chế tài quản lý. Việc hạn chế đốt vàng mã ở các điểm di tích thuộc trách nhiệm của Ban quản lý di tích cũng như cán bộ văn hóa địa phương.

Đốt cả tấn vàng mã: Phô trương, lãng phí ảnh 2

Thị trường đồ vàng mã đa dạng, nhiều mẫu mã, kiểu dáng độc lạ

TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cho biết, ở Việt Nam, ba nhóm đối tượng đốt vàng mã nhiều nhất là cá nhân trong phạm vi gia đình, cơ sở tín ngưỡng dân gian như đền, phủ, miếu... và cả một số ngôi chùa.

“Đốt vàng mã với số lượng ít như một thói quen, một nét văn hóa thể hiện niềm tin, tình cảm với người đã khuất vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện tình trạng ganh đua đốt vàng mã với số lượng rất lớn, gây hiểu sai về niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, lãng phí tài nguyên, không khí, ô nhiễm môi trường”, TS Hoàng Văn Chung cho hay.

TS Chung nêu quan điểm, chưa có bằng chứng đốt nhiều vàng mã hay đốt thường xuyên sẽ trở nên giàu có, lợi lộc hơn.

“Hiện đã có quy định cấm đốt vàng mã nơi công cộng, tuy nhiên, chưa đủ. Việc cần làm là hướng đến hạn chế mạnh sản xuất và kinh doanh vàng mã, bằng cách áp thuế cao, dù đây không phải việc dễ dàng”, TS Hoàng Văn Chung phân tích.

Những năm qua, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành một số văn bản chỉ đạo không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội.

MỚI - NÓNG