Đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành phố Hà Nội xác định, phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, vì vậy phải có bước đi phù hợp, có cơ chế chính sách mang tính đột phá. “Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa, cho nên cần mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói.

Không chủ quan, áp đặt, duy ý chí

Chia sẻ về Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với việc phát triển thị trường dịch vụ văn hóa và đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết chặt chẽ giữa các khâu của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa từ khâu sáng tạo, sản xuất, phổ biến, tiêu dùng. Sau đó phải xâu chuỗi lại, liên kết thực sự bền vững và tự nguyện. “Phải thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ đó định vị thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội một cách có uy tín, xác định vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế. Đây là tham vọng rất lớn”, ông Phong nói.

Đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 1

Theo ông Phong, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố xác định đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Ví dụ điển hình nhất là ngành công nghiệp phát triển các trò chơi trực tuyến, game online, và Hà Nội đang có ưu thế khi dẫn đầu cả nước. Doanh thu xuất khẩu các sản phẩm này của một số tập đoàn lớn trên địa bàn thành phố theo ước tính của Sở TT&TT năm 2020 khoảng 1 tỷ USD. Nếu đẩy mạnh phát triển, sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, và Hà Nội cũng xác định sẽ ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, Hà Nội cần tận dụng được nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị T.Ư và quốc tế đóng chân trên địa bàn, làm sao có các chương trình biểu diễn, chương trình nghệ thuật lớn, dần dần trở thành sự kiện thường niên, có thương hiệu trong nước và quốc tế. “Hà Nội đang có một vài sự kiện lớn, ví dụ như Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Moonsoon) và sắp tới sẽ có thêm nhiều nữa. Chúng tôi cũng đặt vấn đề sẽ nghiên cứu có thêm các thiết chế văn hóa mới làm cơ sở tổ chức được những sự kiện mang tầm quốc tế”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, trong Nghị quyết cũng nêu Hà Nội cần có thêm những trung tâm triển lãm mới, nhà hát mới, sân vận động mới để trong tương lai, Hà Nội không chỉ đăng cai SEA Games, mà phải hướng tới đăng cai ASIAD hoặc giải thể thao, văn hóa mang tầm vóc quốc tế. “UBND thành phố cũng đang có kế hoạch triển khai. Phải đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mới. Điều này đã ghi rõ trong Nghị quyết”, ông Phong chia sẻ.

Đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 2

Không gian phố đi bộ hồ Gươm tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ ở Thủ đô

Ảnh: Duy Phạm

Một vấn đề nữa, theo ông Phong, phải hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Huy động đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực về công nghiệp văn hóa, trong đó đặc biệt quan trọng là nguồn lực con người. Phải xác định phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng định hướng, chính quyền xây dựng cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường thuận lợi, còn chủ thể của phát triển văn hóa là nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân dân. “Phát triển công nghiệp văn hóa không phải làm trong ngày một ngày hai mà phải lâu dài, thường xuyên, liên tục và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển”, ông Phong nói.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, trong phát triển công nghiệp văn hóa, yếu tố sáng tạo đặt lên hàng đầu. Hà Nội cần cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho sáng tạo, phát triển, đặc biệt quan tâm đến bảo vệ quyền tác giả. “Phải đổi mới tư duy để văn hóa gắn liền với sáng tạo. Đã là sáng tạo bao giờ cũng có yếu tố mới trong đó, mang đậm tâm hồn, tư tưởng, phong cách của nghệ nhân, nghệ sĩ. Rất cần có thái độ, cái nhìn khoan dung, độ lượng, đa chiều, đặc biệt tránh câu chuyện chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Nếu không sẽ làm thui chột khả năng, năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Không có sáng tạo thì không có công nghiệp văn hóa, nhất là khi hội nhập quốc tế chúng ta có thể tiếp cận với nhiều cái mới của thế giới, cần cách nhìn khách quan, công tâm. Điều này rất quan trọng”, ông Phong nêu quan điểm.

Cơ chế đột phá

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng thông tin, thành phố phải rà soát lại, bổ sung quy hoạch liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vực công cộng, bởi hiện nay thành phố đang “rất thiếu”. Ông Phong nêu thực tế, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, nhưng “không có một quảng trường công viên có sức chứa khoảng 50 nghìn người để có thể tổ chức được sự kiện lớn”, và cho rằng đây là điều “rất vô lý”. Như sân vận động Hàng Đẫy chỉ chứa được vài nghìn người, trong khi ở một số nước, nếu thành phố có các đội bóng thì mỗi đội có một sân vận động, chưa kể các hạ tầng khác. Thành phố cũng cần xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định, bố trí ngân sách thoả đáng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là những nội dung mang tính nền tảng, chiến lược. “Thành phố nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư trong quản lý, khai thác di sản, bảo tồn và phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành và phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo các hình thức hợp tác công tư để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Thành phố đã có chủ trương đẩy mạnh hợp tác công tư trong khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa. Đặc biệt là mô hình tài sản công nhưng quản trị tư”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, kinh nghiệm triển khai mô hình này ở một số nước rất hiệu quả.

“Dù ở bất cứ nền văn hóa - nghệ thuật của quốc gia nào thì các ngành công nghiệp văn hóa đều dựa trên giá trị trí tuệ, óc sáng tạo và tri thức của rất nhiều các thế hệ con người, góp phần không nhỏ tạo nên giá trị cho các cá nhân và xã hội ấy. Công nghiệp văn hóa hiểu bản chất là văn hóa của một quốc gia trở thành một nền công nghiệp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghệ thuật biểu diễn cần phải được kết hợp cùng công nghệ - khoa học để trở nên đa dạng hơn, phong phú

và hấp dẫn hơn”.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội

Tài sản thiết chế văn hóa là của nhà nước, nhưng cho đấu thầu khai thác quản lý, sử dụng trong 5 - 10 năm nhằm phát huy giá trị. Hà Nội cần tính tới việc này, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa Hà Nội.

Ông Phong cũng cho rằng, cần tính toán hình thành các quỹ đầu tư, hỗ trợ, quỹ giải thưởng văn hóa - một kinh nghiệm quốc tế - để duy trì, phát triển, hỗ trợ các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ có tác phẩm, ý tưởng mới. Cùng với đó, trong quá trình tái thiết đô thị, rất cần có không gian, sân chơi sáng tạo cho nghệ sĩ, phù hợp với từng giới, từng ngành. Thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước để có nhiều đóng góp cho Hà Nội; đồng thời tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa, chủ động kết nối cung cầu, liên kết hợp tác giữa Hà Nội với các cơ sở đào tạo chuyên ngành, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước…

MỚI - NÓNG