Nhóm dự án gồm các thành viên đến từ trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) và trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM).
Theo trưởng nhóm dự án Phạm Thị Trang (ngành Công nghệ Sinh học, trường ĐH KHTN), mỗi năm, hàng triệu cây xanh đã bị chặt để sản xuất giấy. Tính trung bình trong công nghiệp giấy, để sản xuất một tấn giấy, người ta cần nguyên liệu đầu vào tương đương lượng dăm gỗ trắng khai thác từ 18 cây xanh trưởng thành có đường kính thân từ 15-20 cm (phổ biến là tràm, tràm bông vàng, bạch đàn, bạch dương…). Phần cành, nhánh nhỏ, lá, và vỏ cây chiếm khoảng 40% khối lượng cây gỗ là không được sử dụng và bỏ đi.
Gian hàng triển lãm của nhóm tại ngày hội. |
“Trước khi thực hiện dự án chúng tôi đã tự hỏi rằng làm thế nào để vẫn tạo ra giấy mà không hoặc hạn chế tối đa hóa chất sử dụng với thành phần nguyên liệu tái tạo thay thế cellulose. Các phế phụ phẩm như vỏ sò, hàu, trứng và các loài động vật thân mềm khác mang lại nguồn canxi cacbonat sinh học dồi dào và dễ tìm kiếm cũng như dễ sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên để có sự kết dính bột canxi cacbonat thành các tấm giấy, thì cần một loại nhựa sinh học thân thiện với môi trường có khả năng phân hủy sinh học và không để lại hạt vi nhựa”, Trang chia sẻ.
Sản phẩm giấy từ vỏ sò. |
Bằng việc tái chế phế phụ phẩm từ ngành chế biến thủy, hải sản, nhóm đã cho ra đời sản phẩm giấy làm từ vỏ sò. Sản phẩm gồm hai thành phần chính là bột canxi cacbonat từ vỏ sò, kết dính thành các tấm giấy mỏng trên nền nhựa sinh học PVA (Polyvinyl alcohol) có độ an toàn và thân thiện với môi trường do có khả năng phân hủy sinh học và không để lại hạt vi nhựa nhằm thay thế giấy làm từ cellulose.
Nhóm giành giải Ba cuộc thi "SV-STARTUP" năm 2023. |
Không chỉ vậy, dự án còn giúp tăng giá trị kinh tế cho nông nghiệp bằng việc duy trì kinh tế tuần hoàn, nghĩa là rác thải từ sản phẩm này sẽ làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác. "Quy trình làm bột giấy thông thường đòi hỏi sử dụng một lượng rất lớn hóa chất để xử lý nguyên liệu lignocellulose này thành bột có hàm lượng xơ sợi giàu cellulose. Nguyên liệu từ vỏ sò và nhựa sinh học PVA giúp mang lại giá trị về mặt môi trường, xã hội cho sản phẩm, hướng tới chính sách 3R (Reduce, Reuse, Recycle)", Trang chia sẻ thêm.
Dự kiến trong tương lai, nhóm vẫn duy trì hướng tới phân khúc giấy vẽ và liên tục cải tiến, mở rộng sử dụng các nguồn từ vỏ hàu, vỏ trứng và vỏ các loài cây thân mềm khác làm nguyên liệu.
Vòng Chung kết của cuộc thi diễn ra trong khuôn khổ "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, năm 2023” (SV-STARTUP 2023) tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh tham gia tranh tài qua các vòng, học sinh, sinh viên còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động giá trị như Diễn đàn kết nối Trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo các trường đại học, cao đẳng trên cả nước VNEI, Hội thảo đánh giá thực thực trạng, giải pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông.